Bánh chè lam làng Thạch – truyền thống mà độc đáo

Cuộc sống hiện đại với nhiều loại bánh ngọt cầu kỳ và đa dạng về mẫu mã. Nhưng nhiều người vẫn tìm về nơi cửa Phật để mua những hộp bánh đậm chất quê hương làm quà cho người thân. Đó là bánh chè lam truyền thống của làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội.


Cuộc sống hiện đại với nhiều loại bánh ngọt cầu kỳ và đa dạng về mẫu mã. Nhưng nhiều người vẫn tìm về nơi cửa Phật để mua những hộp bánh đậm chất quê hương làm quà cho người thân. Đó là bánh chè lam truyền thống của làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội.

Chè lam Thạch Xá không hào nhoáng như những sản phẩm bánh kẹo khác nhưng có sức hút lớn với người tiêu dùng. Bởi nguyên liệu làm bánh đều bắt nguồn từ những sản phẩm quen thuộc của nông nghiệp. Người dân Thạch Xá thường chọn những hạt gạo nếp cái hoa vàng có hương vị thơm, dẻo để chế biến. Ngoài ra, họ còn chọn lựa kỹ càng từng củ gừng già, từng thanh mía mật và những hạt lạc mẩy tròn để chăm chút cho nồi chè.

Mặc dù được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2004 nhưng đến nay người dân làm bánh chủ yếu theo phương pháp thủ công. Ông Nguyễn Huy Hiến (50 tuổi) nổi danh làm chè lam ngon nhất nhì trong làng cho biết: “Tất cả các công đoạn đều được chúng tôi làm thủ công. Làm thủ công thì mới cho ra được những miếng chè lam đậm đà hương vị quê hương. Trước đây cũng có người nhờ đến công nghệ máy móc ở một số công đoạn nhưng bánh không được dẻo thơm. Chúng tôi không dùng chất bảo quản, thời gian sử dụng bánh là sáu tháng”.

 

Chè lam tuy mềm nhưng lại dẻo dai. Để làm được như thế phải trải qua nhiều công đoạn công phu. Điều này đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cần thận và khéo tay. Gạo nếp sau khi đã rang, lạc đã giã, gừng đã thái lát sẽ được đem trộn chung với mật mía.  Từ đây người thợ nhào nặn những mê bánh thơm dẻo. Phủ bên ngoài những miếng chè lam là lớp bột trắng. Lớp bột này giúp bánh không bị chảy nước, thơm hơn, không bị khô khi đem đi nơi xa và để các miếng bánh không bị dính vào với nhau.

Dù không ở giữa cái lạnh của mùa Đông nhưng vị dẻo thơm của nếp lẫn vị cay nhẹ của gừng và vị ngọt của mật mía cũng làm người thưởng thức cảm nhận được phần nào hương vị quê hương và tình cảm người dân xứ Đoài.

Bánh chè lam làng Thạch độc đáo ở cách thưởng thức. Khác với nhiều loại bánh, khi ăn chè lam phải uống kèm nước trà xanh. Cách thưởng thức này sẽ giúp giải nhiệt vào mùa hè, ấm bụng vào mùa đông.

Trước đây, người dân Thạch Xá thường làm bánh chè lam để thờ cúng tổ tiên trong những ngày lễ Tết. Trải qua thời gian, dần dần nó đã trở thành một thứ quà dân dã và bình dị với người dân và du khách thập phương. Anh Nguyễn Văn Nam, 30 tuổi đến từ Hà Nam chia sẻ : “Bánh chè lam ở đây có vị rất khác so với các loại bánh mà tôi từng ăn. Tôi sẽ mua về làm quà cho bạn bè và người thân. Nếu có dịp quay trở lại tôi sẽ đến và thưởng thức chè lam”.

Với sự phát triển của thị trường, bên cạnh chè lam múi bưởi và chè lam dây người dân Thạch Xã còn sáng tạo thêm chè lam có nhân thịt rán để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. 

Những hộp bánh chè lam có trọng lượng khác nhau với mức giá phù hợp với đa số người mua. Chỉ từ 20 nghìn đồng trở lên là người mua có được những hộp bánh chè lam làng Thạch. 

Với hương vị đặc trưng và cách làm riêng theo công thức được truyền từ đời này sang đời khác, chè lam làng Thạch ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Và ngày nay, chè lam không chỉ được bày bán ở đất Phật mà còn trở thành thứ đặc sản truyền thống của đất Hà thành.

Bình luận của bạn