Bến Tre chú trọng xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống

Trong những năm gần đây, Bến Tre chú trọng phát triển kinh tế ở khu vực làng nghề, ngoài việc đóng góp phát triển kinh tế ở địa phương, hoạt động của các làng nghề còn tạo ra nhiều việc làm thu hút lực lượng lao động đáng kể, tác động chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nâng cao đời sống người dân và góp phần bảo tồn, phát huy các ngành nghề truyền thống của địa phương.

Tỉnh Bến Tre hiện có 54 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống. Lĩnh vực nông nghiệp có 36 làng nghề và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh Bến Tre hiện có 7 nhóm nghề với 63 ngành nghề nông thôn, chiếm số lượng nhiều nhất là nhóm kinh doanh sinh vật cảnh và sản xuất cây giống với trên 7.200 cơ sở, xếp thứ hai là nhóm ngành chế biến bảo quản nông lâm thủy sản 6.030 cơ sở và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có tỷ lệ thấp nhất với 305 cơ sở.

Một số làng nghề tiêu biểu:

Làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh

Làng nghề làm chỉ xơ dừa cạnh dòng sông Thơm thuộc địa phận của xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre được ví như một phiên chợ nổi trên dòng sông Thơm bởi ngày ngày thuyền cập bến, xuất bến đều trở đầy ắp những thuyền dừa hay những sản phẩm làm từ xơ dừa. Nơi đây, không chỉ diễn ra hoạt động sản xuất chỉ xơ dừa dệt thảm mà nó còn phát triển thêm những nghề khác như: quay chỉ xơ dừa, chặt cơm dừa, mua bán trái dừa… diễn ra rất sôi động.

Sản phẩm chỉ xơ dừa của làng nghề An Thạnh

Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh được hình thành từ những năm 1980, ban đầu chỉ có 2 cơ sở, đến nay làng nghề xơ dừa Bến Tre đã có 43 cơ sở, 6 công ty và 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất chỉ xơ dừa, xơ dừa ép kiện, ép mụn chỉ xơ dừa… Hiện nay, làng nghề chỉ xơ dừa ở Bến Tre đã thu hút hơn 1.000 lao động trong xã và những xã lân cận để gia công những sản phẩm từ dừa như: chặt cơm dừa, phơi mụn dừa, lột vỏ dừa…

Để có nguyên liệu sản xuất chỉ xơ dừa Bến Tre chính là dừa khô. Vỏ dừa khi đã thu mua sẽ cho vào máy đập để đập lấy chỉ xơ dừa, chỉ này được ứng dụng trong nhiều công việc khác nhau nhưng chủ yếu được dùng để xe thành chỉ dệt; làm ra những dòng sản phẩm như: chỉ nệm, chỉ xơ cứng, chỉ xơ xoắn, chỉ nệm tráng cao su, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trải sàn… Hiện nay các sản phẩm này phát triển khá ổn định và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc…, góp phần thúc đẩy cuộc sống của người dân ngày một phát triển.

Làng nghề phát triển không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc lâu đời, với những sản phẩm mang đậm bản sắc riêng của dân tộc góp phần tăng cơ hội quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước. Đặc biệt, phát triển làng nghề cũng là một trong những điều kiện để phát triển ngành du lịch địa phương.

Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong

Hưng Phong (còn gọi là Cồn Ốc) nằm cách biệt với đất liền, trên một cồn tự nổi. Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong đã hình thành từ năm 1992 với các mặt hàng chủ lực sản xuất giỏ cọng dừa làm quà tặng, cắm hoa từ cọng dừa. Ban đầu, làng nghề tập trung nhiều nhất ở khu vực ấp 3, rồi lan rộng trong toàn xã. Ngoài ra, xã còn phát triển thêm nghề mới là làm hàng thủ công mỹ nghệ từ trái, gáo, thân dừa.

Hiện nay, xã Hưng Phong có khoảng 500 hộ, 1 tổ hợp tác đan giỏ cọng dừa và 11 hộ thu mua giỏ cọng dừa, trong đó có vài chục hộ quy mô lớn, số còn lại tận dụng thời gian nhàn rỗi để đan giỏ. Nhiều hộ có điều kiện tự làm khung, mua dây và cọng dừa về đan giỏ. Một số hộ nhận khung, dây và cọng dừa từ các hộ sản xuất quy mô lớn về hoàn thiện sản phẩm. Công việc này đã và đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, đến việc khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ. Trung bình để làm ra một chiếc giỏ cọng dừa phải tốn nửa giờ đồng hồ bao gồm tất cả các công đoạn như ra nan, cột khung, đan, bính, quấn quay, nứt và cuối cùng là hoàn thành phần đáy giỏ. Các sản phẩm giỏ cọng dừa cũng đòi hỏi sự cần mẫn và đầu tư công sức. Điều đặc biệt của loại sản phẩm mỹ nghệ này là thân thiện với môi trường, mang đậm phong vị của quê hương xứ dừa. Các sản phẩm nơi đây được chủ cơ sở thu gom bán tại các khu du dịch, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trên cả nước.

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng - xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm là làng nghề thủ công truyền thống đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2018. Với bề dầy hình thành và phát triển, với bằng công nhận, làng nghề đang có một bước ngoặt mới hướng đến con đường rộng lớn hơn.

Sản phẩm bánh tráng của Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

Ngoài đem lại giá trị về kinh tế, làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng còn tạo nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Bánh tráng trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cũng như làm quà biếu mọi thời điểm trong năm. Không chỉ thế, loại bánh này còn là lễ vật dùng trong lễ cúng đưa rước ông Táo, cúng dâng ông bà, tổ tiên. Từ một món ăn bình thường, bánh tráng trở thành một lễ vật mà người dân Nam Bộ dùng để hiếu kính với các bậc tiền nhân. Có thể thấy, ngoài giá trị vật thể, bánh tráng làng nghề trên còn ẩn chứa nhiều giá trị phi vật thể, gắn với không gian văn hóa.

Bình luận của bạn