Để phụ nữ tin dùng hàng Việt

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trở thành cầu nối đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng

Một gian hàng tại ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: Các cấp hội xác định, để thực hiện CVĐ thành công cần thu hút sự tham gia của phụ nữ trên cả 3 phương diện: sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Các cấp hội đã đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân, gia đình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, hình thành thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. 

Để hàng hóa Việt Nam đến với người dân, các cấp hội đã tổ chức quảng bá, giới thiệu hàng hóa Việt Nam, làng nghề truyền thống, giới thiệu, phân phối sản phẩm của địa phương và các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. Từ năm 2019 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã 4 lần tổ chức ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh, tham gia nhiều kỳ cấp trung ương, tổ chức 75 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng trăm sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, được người tiêu dùng yêu thích, sản phẩm của các làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ. 

Chị Nguyễn Thị Huê, thôn Dụ Đại 1, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) cho biết: Gia đình tôi có cơ sở sản xuất bánh đa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Bên cạnh các phương thức bán hàng, giới thiệu sản phẩm, tôi còn gửi bánh đa tham gia trưng bày tại ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh. Từ đó, nhiều chị em trong tỉnh biết đến và tìm mua. 

Bà Đinh Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Phụ thông tin: Để góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam, không dùng và bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng; hướng dẫn hội viên, phụ nữ nhận biết mã vạch, nhãn mác hàng Việt... Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ trong việc sản xuất các sản phẩm truyền thống đạt chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, thông qua việc duy trì và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... giúp hội viên, phụ nữ hình thành thói quen sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước cũng như tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia mô hình phải luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm để giữ vững niềm tin với người tiêu dùng. 

15 năm qua, các cấp hội đã vận động, hỗ trợ 1.550 hội viên, phụ nữ xây dựng quầy hàng cung cấp các nhu yếu phẩm là hàng Việt Nam phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân; phối hợp với các nhãn hàng tổ chức 960 hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm, là hàng hóa Việt Nam. Cơ quan Hội LHPN tỉnh, hội LHPN các huyện, thành phố và 100% hội LHPN cơ sở mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động chủ yếu là hàng sản xuất trong nước. Các cấp hội cũng chú trọng giám sát việc thực hiện cuộc vận động; khuyến khích hội viên, phụ nữ lên tiếng, phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng về các sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; lên án, tẩy chay hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết thêm: Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đồng hành với các tổ chức thành viên của ủy ban MTTQ các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình hội viên phụ nữ xã Nam Hải (Tiền Hải). 

 

Bình luận của bạn