32 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 9 tháng

Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đăng tải bài viết “32 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 9 tháng”. Bài viết nêu, xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng cao, đạt gần 558 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2% - tăng hơn gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%).

Điểm sáng trong xuất khẩu 9 tháng đầu năm là có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam ta có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%). Bên cạnh đó, chúng ta đã tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở rộng thêm các thị trường mới thông qua hàng loạt các biện pháp.

“Những kết quả tích cực của 9 tháng đầu năm sẽ là tiền đề, cũng như cơ sở để hoạt động xuất nhập khẩu cả năm 2022 có thể cán đích và phấn đấu vượt mức chỉ tiêu đề ra”, bài viết nêu nhận định của bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.

Báo Tin tức lại phản ánh một khía cạnh khác qua bài viết “Xuất nhập khẩu cuối năm phải vượt qua nhiều rào cản”. Theo bài viết, mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm cũng như dự báo cho năm 2023 sẽ đứng trước một số khó khăn, thách thức, như: Đứt gãy nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; lạm phát tăng cao ở các thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng khiến nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng giảm.

Mặt khác, Trung Quốc vừa là thị trường cung ứng nguyên liệu và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch Covid-19 cũng tác động đến tiến độ xuất khẩu và ảnh hưởng đến nguồn cung cho vùng nguyên liệu của Việt Nam cũng như nguồn cung cho hàng hóa toàn cầu.

Báo Tuổi trẻ có bài “Nhiều đề xuất để ngành thủy sản phát triển bền vững”. Cụ thể, tại Hội thảo “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên top đầu thế giới” nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và lãnh đạo ban ngành đề xuất các giải pháp căn cơ giúp phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới. Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho biết trong các yếu tố để phát triển tôm bền vững có cơ sở hạ tầng và vốn.

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, để khai thác thủy sản bền vững, vấn đề đặt ra là số lượng tàu và khả năng ngư trường khai thác của chúng ta như thế nào. Theo ông Luân, khai thác bền vững là ngư dân cần nâng cao năng lực bảo quản sản phẩm trên tàu. Những chiếc tàu khai thác không hiệu quả cần chuyển đổi nghề cho phù hợp và mang lại hiệu quả. Đồng thời, các đơn vị quản lý, địa phương, ngư dân phải có trách nhiệm giám sát và tuân thủ pháp luật về ngư trường.

Về ngành hồ tiêu, báo Công Thương đăng tải bài “Xuất khẩu hồ tiêu vẫn chịu áp lực kép”. Xuất khẩu hồ tiêu được dự báo vẫn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc và đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước.

Hồ tiêu Việt Nam cũng đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn. Đáng chú ý, hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang Ai Cập và Pakistan đang khó khăn trong thanh toán.

“Dù đang trong giai đoạn khó khăn tuy nhiên Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Để khai thác lợi thế này, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp thông tin thị trường đến doanh nghiệp để doanh nghiệp tránh được những rủi ro, những tranh chấp với đối tác, khi phát sinh vấn đề, phía thương vụ cũng nỗ lực phối hợp với các bên, đặc biệt là doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết”, bài viết gợi mở.

Bình luận của bạn