ASEAN phát đi thông điệp mạnh mẽ về chủ động thích ứng và kết nối nội - ngoại khối
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo chí sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52
PV: Thưa Bộ trưởng, các Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị liên quan lần này đã phát đi thông điệp gì từ ASEAN?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52, các Bộ trưởng ASEAN đã cùng với các đối tác đã phân tích và đánh giá toàn diện về bối cảnh mới của khu vực và thế giới, không chỉ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của ASEAN, các khung khổ hợp tác trong ASEAN và ASEAN với các đối tác khác, mà còn đối phó với những vấn đề của toàn cầu. Đó là những bối cảnh mới liên quan đến dịch bệnh Covid-19, cũng như những tranh chấp thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại và đằng sau đó nữa là cạnh tranh về địa chính trị ở phạm vi toàn cầu.
ASEAN và các đối tác đã ra những tuyên bố quan trọng đã thể hiện ở những điểm cụ thể sau:
Một là, sự chia sẻ thống nhất nhận định chung của ASEAN với tất cả các đối tác về những vấn đề đang đặt ra, bao gồm cả hai trọng tâm lớn mà chúng ta đã thực hiện theo đúng chủ đề Năm ASEAN 2020 là tính chủ động thích ứng và kết nối. Điều này được thể hiện rất rõ trong những hoạt động của AEM-52 và trong các tuyên bố chung mà ASEAN cùng các đối tác đưa ra.
Hai là, quan điểm tiếp cận và những hành động rất cụ thể và kịp thời của khu vực công tại cả các nước ASEAN, các đối tác để tăng cường tính kết nối và ứng phó, thông qua kết nối với khu vực doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Đây được coi là nền tảng quan trọng đảm bảo sự ứng phó kịp thời, có hiệu quả với Covid-19 và những bối cảnh mới.
Ba là, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN. Tất cả các cơ chế, khuôn khổ đối thoại và hợp tác luôn nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của ASEAN trong những cơ chế hợp tác với các nước, các khu vực trên thế giới. Cho dù đó là Đông Á, hay là các đối tác đối thoại song phương, thậm chí lớn hơn nữa là Hiệp định RCEP, luôn luôn phải khẳng định vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN. Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch của ASEAN và nước chủ nhà 2020, đã thực hiện tốt vai trò này, đóng góp vào việc đạt được mục tiêu đó.
PV: Vậy với những kết quả đã đạt được, từ nay tới cuối năm, những ưu tiên, sự kiện nào của ASEAN có thể tiếp tục đề xuất và thúc đẩy?
Trong khuôn khổ của AEM-52, chúng ta xác định đối với kênh kinh tế, những mục tiêu và sáng kiến được thể hiện không chỉ quan điểm của Nước Chủ tịch ASEAN 2020 là Việt Nam, mà còn là sự kế thừa, tập trung vào những nội dung và nội hàm quan trọng của hợp tác nội khối cũng như ngoại khối.
Điều này được thể hiện rất rõ và cụ thể qua 13 sáng kiến mà Nước Chủ tịch ASEAN 2020 là Việt Nam đã đưa ra và nhận được sự đồng thuận ngay từ giai đoạn đầu của Chương trình Nghị sự năm 2020.
Đến nay, hai sáng kiến quan trọng là “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN” đã được hoàn tất. Đây là những nền tảng rất quan trọng giúp chúng ta có định hướng dài hạn cũng như đáp ứng yêu cầu trước mắt để thực hiện mục tiêu tăng tính kết nối và khả năng ứng phó của ASEAN. Đồng thời cũng là những nền tảng hợp tác quan trọng về chuyển đổi số và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Còn 11 sáng kiến khác sẽ được coi là trọng tâm để tiếp tục triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2020.
Đến nay, 2 trên 13 sáng kiến mà Việt Nam đề xuất trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã được hoàn tất
Cùng với đó, trong những khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với các nước khác, chúng ta cũng đề ra hàng loạt các chương trình hợp tác, kế hoạch phải thực hiện. Đặc biệt, một yếu tố mới mà trong khuôn khổ các hoạt động của AEM-52 chú trọng đến chính là việc tiếp cận giữa khu vực công với khu vực doanh nghiệp, tư nhân.
Hàng loạt sáng kiến, kiến nghị và các nội dung đã được đề cập đến mang tính tương tác hai chiều, từ đó thống nhất, bổ sung vào trong các chương trình hoạt động và kế hoạch hành động.
Tôi cho rằng, đây là một nét mới và rất quan trọng để đảm bảo được vai trò của khu vực công trong hỗ trợ cho khu vực tư nhân và doanh nghiệp phát triển.
Mặt khác, các nước ASEAN cũng sẽ tập trung thực thi các sáng kiến và tuyên bố quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN+3 và các Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3, Sáng kiến chung giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với Hàn Quốc… trong ứng phó với dịch Covid-19, hướng tới những mục tiêu cơ bản, vừa phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa đảm bảo việc khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường mới của nền kinh tế, cũng như tiếp tục tái cơ cấu lại các chuỗi cung ứng, đảm bảo sự tồn tại, duy trì các hoạt động có hiệu quả.
Đặc biệt, cần tiếp tục tạo thuận lợi cho việc hình thành một thị trường thống nhất về thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như thị trường thu hút đầu tư của ASEAN, hay triển khai những biện pháp cụ thể để thực thi Cộng đồng kinh tế ASEAN với mục tiêu tới năm 2025…
Đây đều là trọng tâm cơ bản mà các Bộ trưởng ASEAN tại Hội nghị AEM lần này đã thống nhất trong nội khối cũng như trong khuôn khổ hợp tác với các nước đối tác.
PV: Bộ trưởng có thể chia sẻ một số nội dung cơ bản tại Hội nghị này liên quan đến các sáng kiến, ưu tiên của ASEAN về đàm phán thúc đẩy đối thoại công - tư và vai trò của Việt Nam thế nào trong vấn đề này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong chuỗi Hội nghị của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52, đã có rất nhiều diễn biến liên quan trực tiếp đến quan hệ đối tác công - tư, cũng như những mục tiêu của các Bộ trưởng ASEAN và đối tác của ASEAN đều hướng tới tạo thuận lợi và tiếp tục hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân phát triển.
Bất kể nền kinh tế nào, bất kể khuôn khổ hội nhập nào, bất kể cơ chế hợp tác nào đều phải lấy trọng tâm là khu vực doanh nghiệp, là khu vực tư nhân. Bởi đó là những khu vực mang lại đóng góp và động lực lớn cho tăng trưởng và phát triển. Trình độ, năng lực của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là thước đo năng lực quản trị quốc gia, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia đó.
Có một số yêu cầu, mục tiêu chính được thể hiện rất rõ tại AEM-52 lần này liên quan đến khu vực tư nhân:
Một là, trong quá trình phát triển vừa qua, những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu rộng đến tất cả các nền kinh tế của ASEAN và các nước đối tác, thậm chí đối với cả kết cấu và thực thể kinh tế - thương mại của khu vực và toàn cầu. Nhưng doanh nghiệp, đằng sau đó là người dân, là khu vực chịu tác động sâu sắc và nặng nề nhất. Dịch bệnh tác động đến hoạt động và thu nhập của doanh nghiệp, kinh tế của người dân, và rất nhiều khía cạnh khác.
Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các Bộ trưởng ASEAN và các nước đối tác là phải tính đến những yêu cầu thiết yếu ngay bây giờ cho sự hồi phục của nền kinh tế, cho sự trở lại trạng thái bình thường của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như trong hỗ trợ cho người dân.
Hai là, dưới tác động của dịch bệnh, chúng ta đã thấy những bất cập, tồn tại và hạn chế của mô hình kinh tế thương mại hiện nay. Chúng ta đều hiểu rằng dịch bệnh sẽ còn phức tạp, chưa ai có thể dự đoán dịch bệnh sẽ được kiểm soát, diễn biến như thế nào trong tương lai. Vì vậy, phải từ thực tế hiện nay để có những điều chỉnh trong quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp, trong các mô hình và cơ cấu tăng trưởng kinh tế - thương mại.
Câu chuyện thương mại điện tử, chuyển đổi số hay số hóa nền kinh tế không còn xa lạ, đặc biệt trong hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do đó, một trong những nội dung lớn đã được bàn bạc tại Hội nghị AEM-52 chính là làm sao để tiếp tục tương tác tốt hơn giữa khu vực công với khu vực doanh nghiệp tư nhân, tạo ra những nền tảng số nhằm phát triển kinh tế, thương mại thuận lợi, có hiệu quả và bền vững hơn nữa.
Đối thoại công - tư là một trong những vấn đề được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt chú trọng tại AEM-52 lần này
Ba là, việc tăng cường khả năng kết nối, ứng phó kịp thời, như chủ đề của Năm ASEAN 2020, đang đặt ra yêu cầu ở một tầm cao mới do diễn biến mới của dịch bệnh và cục diện chính trị, kinh tế, thương mại thế giới. Những câu chuyện về chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị đang đặt ra cho ASEAN và cả Việt Nam những vấn đề mới phải đối mặt, từ cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tạo nên một nền tảng bền vững, chắc chắn hơn nữa cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, đến củng cố các hiệp định thương mại tự do như là công cụ cho toàn cầu hóa ở giai đoạn mới.
Đặc biệt, phải tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để tạo ra môi trường thuận lợi cho tự do hóa thương mại, cho những dòng chảy của thương mại, đầu tư, công nghệ, của dịch chuyển thể nhất để chúng ta tiếp tục được toàn cầu hóa theo đúng định hướng.
Các vấn đề đó đều là những nội dung nền tảng để tăng cường tính tương tác giữa khu vực công với khu vực tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt khi các doanh nghiệp ASEAN phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Tất cả những điều đó đều đã được đề cập đến, và hàng loạt vấn đề đã được giải quyết, thông qua. Các Sáng kiến chung và Chương trình Hành động đều hàm chứa các vấn đề này, trong đó có cả những kiến nghị, đề xuất rất cụ thể của khu vực tư nhân, doanh nghiệp như Hội đồng Kinh doanh ASEAN, Hội đồng Kinh doanh của các đối tác tại ASEAN như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand,… đều đã được tiếp thu, phản ánh.
Trên cơ sở này, chúng tôi khẳng định rằng Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 đã kết tủa và chứa đựng, bao hàm đầy đủ tất cả những nhu cầu, xu thế phát triển của kinh tế tư nhân, của khu vực doanh nghiệp trong tương tác chung với khu vực công, từ đó đảm bảo phát triển bền vững, toàn diện của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong phát triển chung của khu vực cũng như thế giới.