Bình Định: Đa dạng giải pháp tiêu thụ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Các hội chợ triển lãm được tổ chức; các gian hàng giới thiệu sản phẩm được xây dựng; hợp tác xã tiêu thụ hàng hóa được triển khai… Đó là những giải pháp Bình Định thực hiện nhằm tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho bà con vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Đa dạng giải pháp tiêu thụ nông sản

Những ngày cuối tháng 8, tại Quảng trường Chiến Thắng, TP Quy Nhơn – Bình Định trở nên sôi động hơn với khu gian hàng giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Gian hàng được tổ chức với mục đích đưa sản đặc trưng của miền núi đến tay người tiêu dùng và giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiêu thụ nông sản. Gian hàng diễn ra từ ngày 15 đến 18/8, thu hút rất nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương tham gia.

Gian hàng giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bình Định thu hút khách du lịch

Khu gian hàng gồm 15 gian hàng quy chuẩn bày bán các sản phẩm của 50 cơ sở, hộ sản xuất với 80 sản phẩm đặc trưng, đặc sản tiềm năng các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và sản phẩm đạt chuẩn OCOP ở các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân.

Các gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của miền núi Bình Định như: Trà Dung túi lọc Cazin, trà Đinh Lăng, bột rau má, bột tía tô, bột sâm bố chính, hoa sâm mặt nạ bột, lá giang khô, mật ong rừng, rượu cần, gạo lúa đỏ, dệt thổ cẩm, rượu ghè, bưởi, cam, chuối, chanh dây, mật ong, chè dây, hạt mắc ca, các loại rau củ quả, rượu nhung nai, rượu nước nóng, rượu Vĩnh Cửu, dầu phụng Bà Cũ, cá diêu hồng Vĩnh Thạnh, trà thảo mộc chè dây Dạ Cẩm, trà thảo mộc tiểu đường Lục vị, Cao thảo mộc Thắng Xịn, Cao thảo mộc Kiện Vị, chè dây Trúc Quán, dứa An Toàn, mật ong rừng Trúc Quán, mật ong rừng Beest, tinh bột nghệ, viên tinh bột nghệ, chè dây túi lọc, chè dum túi lọc…

Việc tổ chức chương trình này cũng nằm trong kế hoạch thực hiện nội dung thuộc tiểu dự án 2 của Dự án 3 về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định năm 2023.

Đồng thời, sự kiện cũng góp phần hỗ trợ phát triển, mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo hiệu ứng lan tỏa, sức hút, sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng, cộng đồng xã hội đối với các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bình Định.

Tận dụng lợi thế của một địa phương đang phát triển mạnh về du lịch, sự kiện này đã thu hút rất đông du khách đến thăm quan mua sắm. Bởi lẽ, khách du lịch đến với Bình Định chủ yếu là để du lịch biển, sản vật mua về trước đây chủ yếu là sản phẩm từ biển. Do đó, gian hàng đặc trưng với nhiều sản phẩm miền núi, vùng dân tộc có chất lượng đã thu hút rất đông du khách.

Trước đó, nhằm quảng bá, tiêu thụ nông sản, trong đó có vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn, ngày 19/5/2023, đúng vào dịp ngày sinh Bác Hồ, Sở Công Thương Bình Định đã tổ chức Hội nghị kết nối thu mua giữa các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể với các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sự kiện thu hút rất đông các doanh nghiệp đến tham gia và một lượng sản phẩm lớn đã được kết nối tiêu thụ vào các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Đình Kha - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, các sự kiện này được tổ chức đều nằm trong kế hoạch xúc tiến thương mại của địa phương. Mục tiêu của các sự kiện là nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng và các đơn vị có nhu cầu liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng kênh tiêu thụ vững chắc

Bên cạnh việc tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm kết nối, hiện nay, Sở Công Thương Bình Định còn hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều, được triển khai xây dựng tại Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, thôn 1 xã An Toàn, huyện An Lão. Hợp tác xã tổ chức tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (dân tộc Bana và H’re) và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các xã viên tại địa phương.

Hiện nay, hợp tác xã đã mở quầy bán các sản phẩm của 20 thành viên tại huyện An Lão và hoàn thiện các bộ thiết kế, gian hàng trưng bày, bảng biển, tài liệu, tờ rơi, kênh truyền thông website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hợp tác xã xác định danh sách các sản phẩm tiềm năng của cả địa phương để đưa vào bày bán tại điểm mô hình thương mại hai chiều; lựa chọn và trồng thử nghiệm được một số loại nông sản, dược liệu phù hợp để triển khai chuyển giao cho các hộ thành viên và hộ liên kết.

Nhằm hỗ trợ xây dựng thành công mô hình này, Sở Công Thương tổ chức hỗ trợ trực tiếp quảng cáo, trang thiết bị trưng bày và bảo quản thu mua nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng website bán hàng, phần mềm quản lý bán hàng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…

Nông sản miền núi là sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 200 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 35 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 189 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm, thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng. Các phong trào, mô hình, điển hình về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy. Đồng thời, xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Có nhiều vùng sản xuất an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn, có giá trị kinh tế cao được phát huy hiệu quả, hình thành được mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.

Bình luận của bạn