Bộ Công Thương công bố lượng thép và màng BOPP được miễn thuế CBPG trong năm 2020 và 2021
Cụ thể, đối với vụ việc AD01 về rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) (theo Quyết định số 3162/QĐ-BCT ngày 21/10/2019 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành), năm 2020 có 2 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 75,5 tấn và năm 2021 có 4 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 1.106 tấn.
Đối với vụ việc AD02 về áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu (theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT ngày 30/3/2017 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành), năm 2020 có 1 doanh nghiệp được miễn trừ 867 tấn và năm 2021 có 1 doanh nghiệp được miễn trừ 4.009 tấn.
Đối với vụ việc AD04 về áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được mạ hoặc không mạ, được sơn có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc (theo Quyết định số 3198/QĐ-BCT ngày 24/10/2019 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành), năm 2020 không có doanh nghiệp nào được miễn trừ và năm 2021 có 19 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 46.724 tấn.
Đối với vụ việc AD07 về áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia (theo Quyết định số 1900/QĐ-BCT ngày 20/7/2020 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành), năm 2020 có 7 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 193,467 tấn và năm 2021 có 6 doanh nghiệp được miễn trừ tổng lượng 952 tấn.
Các quyết định gửi đến doanh nghiệp đều nêu rõ, cho phép các doanh nghiệp được hoàn lại tiền thuế chống bán phá giá đã nộp theo quy định trước đó cho những lô hàng được nhập khẩu hàng hóa được miễn trừ đăng ký tờ khai hải quan trong năm 2020/2021.
Việc thực hiện miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, kể cả trình tự, thủ tục hoàn thuế, tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Bộ Công Thương có quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp về việc thực hiện miễn trừ. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm, Bộ Công Thương sẽ thu hồi Quyết định miễn trừ và gửi văn bản tới cơ quan hải quan để yêu cầu truy thu tiền thuế được miễn trừ và xử lý theo quy định của pháp luật.