Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng Quảng Ninh trong phát triển kinh tế xã hội
Quảng Ninh nỗ lực để trở thành một cực tăng trưởng toàn diện phía Bắc
Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ. Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tường Văn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở ngành của tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng cho biết thời gian qua, Quảng Ninh không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, nội lực của tỉnh được củng cố, tăng cường, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.
Sự phát triển của Quảng Ninh trong những năm qua có đóng góp quan trọng của ngành Công Thương. Sản xuất than vẫn tăng trưởng ổn định, giữ vai trò là ngành kinh tế lớn của tỉnh, đang dần chuyển dịch theo hướng bền vững. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đạt 38,95% so với cùng kỳ, vượt 17,6 điểm % so với kịch bản, đóng góp 3,74 điểm % trong tốc độ tăng GRDP. Kết quả này khẳng định tư duy đột phá, quyết sách đúng đắn, bước đi chiến lược, tầm nhìn dài hạn của tỉnh.
Đối với ngành sản xuất điện, trong giai đoạn 2011-2020, đã có 7 nhà máy nhiệt điện được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn, nâng tổng công suất các nhà máy phát điện của tỉnh lên 5.640 MW, tăng gấp trên 7 lần so với thời điểm năm 2010 và chiếm 16% công suất các nhà máy nhiệt điện trên cả nước.
Trong lĩnh vực thương mại, trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại tương đối đồng bộ. Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đặc biệt, tỉnh đã tiên phong tổ chức hội chợ OCOP, đến nay đã được Bộ Công Thương đưa vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hằng năm.
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh kế hoạch và tạo điều kiện cho các nhà máy nhiệt điện của tỉnh tăng công suất phát điện; đồng thời, chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện trong nước thực hiện tiếp nhận than đúng với hợp đồng đã ký với ngành than và theo biểu đồ cấp than cho điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Quảng Ninh cũng đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, qua đó thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương, Ban Đối ngoại Trung ương quan tâm ủng hộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thúc đẩy phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm vào thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời điều chỉnh một số quy định pháp luật để phù hợp với thực tiễn quản lý và phát triển công nghiệp, thương mại.
Tập trung xây dựng và phát triển những ngành công nghiệp nền tảng
Trao đổi về những vấn đề tỉnh Quảng Ninh quan tâm, đề xuất, các thành viên đoàn công tác đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển ngành công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn. Trong đó, tỉnh đã sớm ban hành Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị
Lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cho rằng, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục bám sát các định hướng của Trung ương, kiên trì thu hút đầu tư, đưa ra những giải pháp hiệu quả để phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo một cách bền vững; tiếp tục thúc đẩy, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu tại địa bàn; tăng cường tuyên truyền chính sách ưu đãi thu hút các mặt hàng xuất nhập khẩu qua các cặp cửa khẩu…
Sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị chức năng làm rõ những nội dung liên quan đến các đề xuất kiến nghị của Quảng Ninh, phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, buổi làm việc hôm nay thể hiện nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành trong việc cùng các địa phương duy trì sản xuất cũng như các chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, nhìn lại 5 năm qua, Quảng Ninh đã có được những kết quả rất tốt trong tăng trưởng kinh tế, bình quân GDP gần gấp đôi mức bình quân của cả nước. 6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy có tăng trưởng như cùng kỳ năm 2020 song lại thấp hơn mức bình quân của cả nước, nhất là dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cũng nhận định, kinh tế dịch vụ, du lịch tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra. Như công nghiệp, bán lẻ và một số lĩnh vực khác của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm đều có mức tăng thấp hơn cả nước.
“Với vị trí, vai trò của một trong những mũi nhọn, đầu tàu kinh tế cả nước, một đỉnh của tam giác tăng trưởng Bắc bộ thì thực tế tăng trưởng như trên đòi hỏi phải có những giải pháp để giải quyết vấn đề. Do vậy những vấn đề Quảng Ninh đặt ra hôm nay, đặc biệt là những kiến nghị của tỉnh với ngành Công Thương rất đúng và trúng, rất cần được tháo gỡ. Tinh thần chung là Bộ tiếp thu tất cả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, và những gì thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Bộ Công Thương thì Bộ sẽ xem xét sớm xử lý. Những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ thì Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các Bộ để cùng tháo gỡ. Bộ đồng tình với quan điểm của tỉnh Quảng Ninh dựa trên tài nguyên, con người và văn hóa cũng như chiến lược phát triển từ nâu sang xanh, bền vững, xác định cơ cấu kinh tế của địa phương là dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Để thực hiện được quan điểm, chiến lược phát triển của tỉnh, từ góc độ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu lên 6 nhiệm vụ Quảng Ninh cần tập trung thực hiện và triển khai.
Thứ nhất, Quảng Ninh cần sớm triển khai xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương. Để có được những ngành công nghiệp phát triển trong tương lai, có cơ sở thu hút đầu tư phát triển công nghiệp thì vấn đề xây dựng chiến lược với những tầm nhìn chung bao gồm công nghiệp thương mại và dịch vụ là hết sức quan trọng.
“Chiến lược này cần dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương, dựa vào xu thế phát triển của đất nước và đặc biệt là dựa vào chiến lược của quốc gia. Để từ chiến lược sẽ xây dựng những kế hoạch, đề án bảo đảm tính khả thi”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ, trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tiếp theo phải quyết tâm xây dựng cho được những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng để nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh nghiệm của các nước đã đi qua trong giai đoạn đầu cho thấy đều phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí. Nếu như không có những ngành vừa nêu thì không thể có cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Quảng Ninh bám sát vào chiến lược quốc gia cũng như tiềm năng, thế mạnh của mình, trong đó, hai ngành than và điện vẫn sẽ tiếp tục phát triển nhưng dứt khoát phải phát triển trên nền tảng công nghệ mới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề: “Công nghiệp vật liệu, hóa chất, chế tạo, cơ khí, hỗ trợ Quảng Ninh cũng hội đủ các điều kiện phát triển. Thử hình dung nếu Quảng Ninh hình thành một trung tâm về công nghiệp hỗ trợ, vùng sản xuất công nghiệp vật liệu công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo thì trong tương lại có thể khai thác được rất nhiều lợi thế của tỉnh. Vấn đề là chúng ta phát triển bằng công nghệ nào?”.
Về thương mại dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh với đường biên giới dài hiện nay, nhất thiết phải phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế ban đêm ở các khu du lịch nối các thành phố. Bên cạnh đó là dịch vụ cảng biển, logistics bởi Quảng Ninh có nhiều cảng biển, tuyến cao tốc, nên, tỉnh cần quan tâm phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái.
Thứ hai, từ chiến lược của ngành Công Thương, Quảng Ninh cần đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh trên cơ sở phù hợp Quy hoạch ngành, vùng và Quy hoạch quốc gia. Phải có chiến lược thì chúng ta mới tích hợp được những ngành công nghiệp thương mại và dịch vụ được xác định là trọng yếu nêu trong chiến lược phát triển của địa phương.
Thứ ba, đề nghị Tỉnh khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để triển khai quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu kinh tế biên mậu tại Móng Cái, bao gồm hình thành khu kinh tế biên mậu tại Bắc Luân 2, Bắc Luân 3 với quy mô 1.300ha; hình thành chợ đầu mối nông sản tại khu vực cảng cạn ICD; xây dựng chợ đêm tại khu vực Bắc Luân 1; xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ biển tại Trà Cổ, Mũi Sa Vĩ; phát triển đô thị đáp ứng sự tăng dân số cơ học theo phát triển công nghiệp - dịch vụ; cùng với công nghiệp – dịch vụ phải hình thành các khu dân cư theo hướng đô thị. “Bộ Công Thương rất ủng hộ địa phương trong các dự án này, và sẵn sàng phối hợp hỗ trợ về quy hoạch, chính sách để Quảng Ninh có thể nhanh chóng tổ chức thực hiện” – Bộ trưởng khẳng định.
Thứ tư, đề nghị Tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ chế huy động vốn đầu tư về hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước để kêu gọi vốn đầu tư tư nhân, đầu tư xã hội. Tiếp tục áp dụng những công thức quản trị mới mà Quảng Ninh đã từng có kinh nghiệm là đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - quản trị công. Bây giờ Chính phủ cũng đang khuyến khích theo hướng này, đây là điều cực kỳ quan trọng. Cùng với đó, tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục để hấp dẫn nhà đầu tư.
Thứ năm, Quảng Ninh cần chú trọng phát triển thương mại nội địa. Bài học từ tiêu thụ nông sản thời gian qua cho thấy có lúc chúng ta “bỏ quên” thị trường nội địa. Khi Bộ Công Thương có chủ trương “xoay trục’ trong việc tiêu thụ nông sản tới vụ của các địa phương bằng việc nâng năng lực tiêu thụ nội địa thông qua chính quyền địa phương, quản lý thị trường, thì năng lực tiêu thụ qua các chợ truyền thống, thông qua các siêu thị trên phạm vi toàn quốc là rất tốt, nâng năng lực tiêu thụ nội địa gấp hai lần so với mọi năm.
“Như trong tháng 4 và 5/2021 tiêu thụ gần 2 triệu tấn trái cây, trong khi đó xuất khẩu chỉ chiếm trên dưới 30%. Điều này chứng tỏ thị trường nội địa 100 triệu dân là cực kỳ quan trọng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Tiếp tục phát triển thương mại điện tử, kinh tế số. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy tổ chức bán hàng online, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử rất hiệu quả. Cần quan tâm để không xảy ra lừa đảo, hàng giả. Chợ truyền thống cũng cần quan tâm, theo đó cần huy động vốn xã hội đầu tư hạ tầng cho các chợ truyền thống là tốt nhất.
Thương mại biên giới cần tập trung vào các ngành hàng theo nhu cầu và dựa vào hiệp định thương mại tự do đã ký. Trong quá trình thu hút đầu tư, Quảng Ninh cần coi trọng, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong nước về nguồn lực, về trí tuệ bằng những cơ chế ưu đãi, hấp dẫn.
Cần có lộ trình nội địa hóa trong quá trình thu hút đầu tư cũng như lộ trình để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo mới của Bộ Công Thương.
Thứ sáu, liên quan đến quản lý thị trường, Quảng Ninh có biên giới rất dài cả trên đất liền và biển. Tỉnh cần quan tâm để lực lượng quản lý thị trường có thể phối hợp tốt với các lực lượng khác như công an, hải quan, thuế nhất là cấp ủy chính quyền địa phương biên giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tinh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cảm ơn Bộ Công Thương đã luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ Quảng Ninh thời gian qua trong đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh
Bí thư Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, phát triển ngành công nghiệp vẫn được tỉnh xác định là nhiệm vụ hàng đầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững tỷ trọng phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để sản xuất sạch hơn. Những mỏ khai thác than lộ thiên sẽ được tỉnh Quảng Ninh đóng cửa theo đúng lộ trình; đồng thời sẽ đóng các mỏ khai thác đá quanh vịnh Hạ Long và các nhà máy sản xuất xi măng.
Thương mại, dịch vụ được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng, dựa trên tiềm năng, lợi thế có cảng hàng không, đường cao tốc, cảng biển, các cặp cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động thương mại biên mậu. Hiện nay, ngoài các cặp cửa khẩu được nhà nước đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã dành nguồn lực đầu tư, hình thành nên các kho ngoại quan, cầu phao tạm tại Km3+4. Nhờ đó, đã thu hút được lượng lớn doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ, giải quyết những kiến nghị của ngành than, ngành điện và hỗ trợ phát triển liên kết vùng giữa Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương đã khảo sát thực tế hoạt động xuất, nhập khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu các vụ, cục liên quan thuộc Bộ Công Thương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu.
Một số hình ảnh trong chuyến công tác thực địa tại Quảng Ninh của Đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Đoàn:
Khảo sát tại Lối mở biên giới Km3+4 (phường Hải Yên, TP. Móng Cái)
Khảo sát tại Cầu Bắc Luân II
Khảo sát tại Mũi Sa Vĩ (Trà Cổ, TP. Móng Cái)
Khảo sát tại khu vực Cầu Bắc Luân I.