Chủ động liên kết, tạo chuỗi cung ứng hàng Việt tới người tiêu dùng
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.
Hàng Việt "len lỏi" đến từng gia đình
Nhờ sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp và sự đồng hành của người tiêu dùng, đến nay, cuộc vận động đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước.
Hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu; chất lượng ngày càng cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm.
Cụm từ "Hàng Việt" từ lâu đã len lỏi đến từng ngõ ngách, thôn bản, làng xã và các gia đình người Việt. Từ sự thân quen, gần gũi đã trở thành niềm tin, không ít người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam là số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình mình.
Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90% - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60-90%.
Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hiện tại hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.
Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị điện máy lớn như Big C, Aeon Mall, Winmart, Pico… đã bám sát các chương trình khuyến mại của các đơn vị như Bộ Công Thương, Sở Công Thương liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm Việt Nam; từ đó góp phần kích cầu tiêu dùng hàng Việt.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, thông qua chương trình khuyến mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa, siêu thị Co.opmart có thêm nhà cung cấp mới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng hóa, nông sản Việt vào hệ thống siêu thị lâu dài, ổn định.
Đổi mới hình thức khuyến mại, tăng cường liên kết hàng Việt
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho hay, hằng năm, Bộ Công thương đều có chương trình hành động trên cơ sở triển khai các nghị quyết của Đảng và Nhà nước lồng ghép vào thực hiện cuộc vận động, từ sản xuất, kinh doanh đến bảo vệ người tiêu dùng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn... liên tục được đổi mới, giúp hàng Việt Nam chinh phục tốt hơn người tiêu dùng trong nước.
Kết nối tiêu thụ hàng hóa các tỉnh, thành tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực chất lượng sản phẩm để thực sự chinh phục được niền tin của người tiêu dùng. Nhờ cuộc vận động, hàng Việt Nam đã không chỉ định danh ở thị trường nội địa mà còn vươn xa ra thế giới.
Để giữ vững và phát triển vị thế hàng Việt, góp phần để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" lan toả trong năm 2024, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khuyến nghị, doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm; chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Phương Lan thông tin thêm, thời gian qua, Hà Nội cùng với 30 tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động kết nối cung- cầu hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương… làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng.
Bên cạnh đó, tổ chức trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức qua đó giới thiệu 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành đến hệ thống phân phối Hà Nội. Thông qua những hoạt động này, riêng năm 2023 TP Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm hàng Việt…
Thời gian tới, cùng với chuỗi chương trình khuyến mại tập trung, hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Việt Nam cũng tiếp tục được triển khai.
Hà Nội cũng tổ chức Hội chợ công nghiệp hỗ trợ, trưng bày sản phẩm công nghiệp chủ lực; các triển lãm chuyên đề giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô…
Nhìn chung, các sự kiện khuyến mại được đổi mới, nâng cao chất lượng, cùng các chương trình xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, sẽ kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua đó góp phần giúp TP. Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.