Chung tay để hàng Việt lan tỏa

Ông Phạm Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng - đánh giá: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) ở Hải Phòng đã có sự lan tỏa trong đời sống nhân dân, các chương trình triển khai như cây đã “bén rễ, nẩy mầm”, từ nội thành ra ngoại thành nhờ sự chung tay của nhiều nhân tố: Chính sách, doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng.

CVĐ sau hơn 5 năm triển khai đã lan tỏa tới các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân thành phố. Để tạo sức lan tỏa sâu rộng, nội dung CVĐ được phối hợp, thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Trên thực tế, CVĐ chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt mở rộng sản xuất - kinh doanh, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Cùng với các địa phương khác trên cả nước, TP. Hải Phòng đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình như: Đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐ dưới nhiều hình thức; Sở Công thương thành phố tổ chức nhiều hội thảo tọa đàm về hướng đi của hàng Việt Nam với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các doanh nghiệp, nhà phân phối đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, phối phối hàng Việt rộng rãi từ nội thành ra ngoại thành…

Đại diện đơn vị quản lý trực tiếp, tổ chức thực hiện các chương trình liên quan tới CVĐ, ông Nguyễn Văn Tâm- Trưởng phòng thương mại Sở Công Thương TP. Hải Phòng- cho biết: Tính tới thời điểm này, Sở đã phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức hàng trăm hội chợ triển lãm thương mại tại các quận, huyện trên địa bàn. Mỗi hội chợ có quy mô bình quân từ 300- 400 gian hàng, thu hút người tham quan mua sắm trung bình từ 20.000 đến 30.000 lượt người, với doanh số bán hàng ước đạt 2,5- 3 tỷ đồng. Các mặt hàng chủ yếu tại các hội chợ là hàng tiêu dùng, dệt may, giầy dép, mỹ phẩm, sản phẩm nhựa, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng điện tử,…

Ngoài việc tổ chức các hội chợ thương mại, Sở Công thương còn tổ chức một số hội chợ chuyên ngành, như: Hội chợ Triển lãm thương mại làng nghề truyền thống và đồ lưu niệm Hải Phòng với 170 gian hàng tiêu chuẩn của 130 doanh nghiệp; hội chợ quy mô cấp vùng như: Hội chợ Triển lãm Công nghiệp thương mại đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 (với quy mô 450 gian hàng tiêu chuẩn và 800 m2 khu sinh vật cảnh và ẩm thực dân gian của trên 200 doanh nghiệp, đơn vị tham gia); triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng; triển lãm ngành Công Thương Hải Phòng; triển lãm hàng giả, hàng thật…

Về phía các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, cũng tổ chức hàng trăm lượt đưa hàng Việt về các vùng nông thôn với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ trên 100 tỷ đồng. Tập trung vào các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất của người dân nông thôn: Hàng lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản, hàng may mặc, điện tử, gia dụng, đồ gỗ, hóa mỹ phẩm, giầy dép… Được biết, mỗi đợt diễn ra từ 2 đến 5 ngày, từ 700 đến 1.200 mặt hàng. Trung bình, lượng khách tới thăm quan, mua sắm mỗi đợt từ 1.700 đến 2.000 lượt khách. Có thể kể đến các doanh nghiệp tiên phong, tích cực đưa hàng việt đến với người tiêu dùng như: Siêu thị Coopmart; Công ty Cổ phần Đại siêu thị Big C, siêu thị Minh Khai, Intimex, điện máy CPN, Samnec…

Sự phối hợp chặt chẽ, mang tính thực tiễn cao giữa UBND TP. Hải Phòng, đặc biệt là Sở Công Thương thành phố đã nâng tầm nhận thức và hành động của người tiêu dùng trên địa bàn trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam; ổn định giá cả hàng hóa và tăng sức mua đối với hàng Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt phát triển, góp phần ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế cả nước. Về phía các nhà sản xuất Việt trên địa bàn, cũng thông qua CVĐ tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất ra nhiều loại sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, tăng sức cạnh tranh, không ngừng cải tiến kỹ thuật, đa dạng hoá mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, mở rộng thị trường, đổi mới dịch vụ phân phối... Điều này có vai trò lớn, quyết định tới thành công trong triển khai CVĐ đi vào cuộc sống.

Còn nhớ, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện CVĐ ở Hải Phòng, ông Lê Bá Trình - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - đã đánh giá cao công tác triển khai CVĐ trên địa bàn thành phố với những kết quả nổi bật. Ban Chỉ đạo CVĐ TP. Hải Phòng đã triển khai kịp thời, tinh thần Thông báo kết luận 264-TB/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Bá Trình tin tưởng, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở Hải Phòng sẽ đi vào chiều sâu, tạo ra hiệu ứng sâu rộng trong toàn xã hội.

Bình luận của bạn