Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Các tập đoàn lớn trên thế giới như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan)... đang có mặt tại Việt Nam để kết nối giao thương, đây là cơ hội rất lớn để hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều tập đoàn lớn tìm nhà cung cấp tại Việt Nam

Từ ngày 13 đến 15/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Vietnam International Sourcing 2023) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Sự kiện năm nay ghi nhận sự quan tâm chưa từng có khi các tập đoàn lớn trên thế giới cùng góp mặt như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển); LuLu (UAE)... cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà thu mua quốc tế đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Avaneesh Gupta - Phó Chủ tịch Walmart nhận định Việt Nam là 1 trong những thị trường cung ứng hàng hóa quan trọng nhất của nhà bán lẻ này và cũng là trung tâm cung ứng cho khắp Đông Nam Á.

"Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam trên toàn cầu, bao gồm sang Mỹ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc"- ông Avaneesh Gupta nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa như: giày dép, đồ gia dụng, đồ chơi, xoài, sầu riêng và dừa... Tại sự kiện lần này, Walmart mong muốn tìm kiếm thêm nhà cung cấp các nhóm sản phẩm như: hải sản, hạt điều, sữa đậu nành, cà phê, trái cây tươi và đồ ăn nhẹ từ trái cây.

Tương tự, ông Lionel Adenot- Giám đốc Decathlon Việt Nam chia sẻ, Decathlon đang tìm kiếm những nhà cung cấp có tính tự chủ, đáp ứng nguyên tắc về trách nhiệm con người,sản xuất bền vững, thân thiện môi trường... Các nhà cung cấp cần tận dụng nguyên liệu địa phương vừa đáp ứng yêu cầu "xanh hóa" vừa rút ngắn thời gian thực hiện đơn hàng, giảm phụ thuộc bên ngoài. Ông cũng lưu ý các nhà cung cấp phải chuyển đổi số, tận dụng dữ liệu, số hóa để phục vụ khách hàng.

Đại diện Decathlon cho rằng, đây là những điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế.

Đại diện cho các Doanh nghiệp Mỹ, ông Maxime Dourdan - Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc – cũng chia sẻ, trong thời gian tới, Boeing sẽ tập trung vào 3 định hướng chính. Đó là, làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.

Ông Maxime Dourdan đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của hãng cũng như cơ hội và khả năng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.

Duy trì chất lượng, thích ứng với tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững

Là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản, với hơn 18.000 cửa hàng, có mặt ở 14 nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam, ông Yuichiro Shiotani - Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam – cho biết, trong thời gian qua Tập đoàn Aeon đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam triển khai các nghiên cứu thị trường, lựa chọn những doanh nghiệp có mặt hàng phù hợp với thị trường Nhật Bản, tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định khắt khe của thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, để xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống phân phối của Aeon, theo ông Yuichiro Shiotani, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và hàng hoá rõ ràng... Đây là những điều kiện cần thiết để đơn vị truy xuất nguồn gốc sản phẩm có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để các đơn vị nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài biết đến nhiều hơn; đồng thời, doanh nghiệp cần duy trì chất lượng của sản phẩm để giữ uy tín với nhà nhập khẩu, các đối tác nước ngoài...

Trong khi đó, theo đại diện ngành Dệt may Việt Nam, ông Hoàng Vệ Dũng – Chủ tịch Tổng công ty Đức Giang, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới vì sự phát triển bền vững, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.

“Trong bối cảnh đó, ở cấp độ doanh nghiệp - hạt nhân của nền kinh tế, Tổng công ty Đức Giang nói riêng và hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam, nhận thức rõ về sự thay đổi không ngừng của xu hướng thời trang thế giới. Thay đổi này không chỉ đến từ sự biến đổi trong cái nhìn về thời trang mà còn từ sự thay đổi trong cách sản xuất, tiêu dùng và quản lý chuỗi cung ứng”- ông Hoàng Vệ Dũng nhấn mạnh và cho biết thêm, từ nhiều năm trước chúng tôi đã xây dựng lộ trình chuyển đổi mạnh mẽ về thiết kế theo xu thế thời đại, xu thế sản xuất xanh, tìm kiếm và thành lập chuỗi cung ứng mới. Điều này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tiêu chí thời trang, tái tạo và giảm phát thải, mà còn giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, đồng thời có thể tăng thị phần và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.

Ông Hoàng Vệ Dũng cũng kỳ vọng qua sự kiện có thể tạo dựng mối quan hệ tin cậy với các nhà nhập khẩu và nhà phân phối quốc tế. Đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục được đối tác, bạn hàng, các nhà đầu tư tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được chuỗi cung ứng toàn diện, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững, bảo vệ môi trường.

 

Bình luận của bạn