Con đường đưa nông sản Việt lên môi trường số còn rất nhiều thách thức

Dịch bệnh COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt gãy. Thời gian qua, các bộ, ngành và các sàn thương mại điện tử đã tích cực vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để tiêu thụ. Theo ông, đâu là những thuận lợi khi đưa nông sản lên môi trường số?

Ông Bùi Huy Hoàng: Với vai trò là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương về quản lý và phát triển TMĐT của Việt Nam, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với các Bộ, Sở, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai nhiều chương trình kết nối TMĐT ở nhiều tỉnh, thành, địa phương trên cả nước qua cả phương thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây là một trong những chuỗi hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vừa hiện thực hoá chủ trương của Đảng, Chính phủ tại Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Quyết định số 645/TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia, Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chuyển đổi số quốc gia, theo đó khẳng định, TMĐT là một trong những lĩnh vực ưu tiên, giữ vai trò tiên phong của nền kinh tế số.

Riêng đối với lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản, dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua đã có những tác động, ảnh hưởng to lớn tới tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ, làm đứt gãy cả một chuỗi từ sản xuất, nguyên vật liệu vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến các khâu như thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển lưu thông, phân phối tới các tỉnh thành phố để tiêu thụ cũng như xuất khẩu.

Ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương).

Thời gian vừa qua, mặt hàng nông sản được các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương quan tâm sát sao. Minh chứng là hàng loạt các chương trình hỗ trợ nông sản địa phương đã được triển khai ở nhiều địa bàn, kinh nghiệm triển khai cùng độ phủ ngày càng gia tăng. Những chương trình này là kết quả phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; của chính quyền nhân dân các tỉnh, thành phố; sự chung tay đồng lòng của các doanh nghiệp TMĐT lớn và các đơn vị cung cấp giải pháp số, vận hành TMĐT, logistics TMĐT liên quan khác

Vậy những khó khăn thì sao, thưa ông? Ông có thể chỉ ra những thách thức chính khi đưa nông sản Việt lên môi trường số?

Ông Bùi Huy Hoàng: Bên cạnh những kết quả đạt, tôi có thể khẳng định rằng, con đường đưa nông sản Việt lên môi trường số còn rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, nhận thức của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp có tư duy ngại thay đổi, không dám bắt đầu do thiếu kỹ năng, thiếu nguồn nhân lực, cũng như công nghệ để đáp ứng được việc ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi, dân số tiếp cận công nghệ thông tin ̣(CNTT) và mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số còn thấp hoặc rất thấp.

Thời gian vừa qua, để bà con nông dân có thể mang sản phẩm nông sản hiển thị và tiêu thụ trên các sàn TMĐT, các chuyên viên TMĐT đã đến tận nơi “cầm tay chỉ việc"; tập huấn các kỹ năng đóng gói, hỗ trợ truyền thông, livestream bán hàng. Là lĩnh vực mới mẻ nên nhiều hợp tác xã, hộ nông dân còn thiếu kỹ năng và có tâm lý e ngại trong triển khai.

Thứ hai, phần lớn các mặt hàng nông sản có điểm hạn chế so với các mặt hàng khác là có tính mùa vụ, thời gian bảo quản ngắn, điều kiện bảo quản cao trong khi số lượng xe lạnh, kho lạnh ở nước ta còn hạn chế. Do vậy, chi phí vận hành cao là thách thức lớn.

Thứ ba, chi phí vận tải hàng hóa nói chung ở Việt Nam còn cao, logistics cho TMĐT cũng vậy. Trong khi đó, nông sản là những mặt hàng có giá trị không cao, nên chi phí hàng hóa đến tay người tiêu dùng "đội" lên nhiều. Đây là khó khăn không nhỏ cho TMĐT trong lĩnh vực nông sản.

Có thể nói, việc tổ chức đưa nông sản lên TMĐT hay hỗ trợ các hộ nông dân lên sàn TMĐT không phải là khó, cái khó ở đây đó là việc tạo cho người nông dân nắm vững được kỹ năng thương mại điện tử, tự mình vận hành được mô hình kinh doanh thương mại điện tử với sản phẩm của chính mình. Đây mới là điều chúng ta hướng tới.

Thưa ông, những rào cản khiến nông sản các địa phương khó lên sàn TMĐT là gì? Theo ông, nút thắt nào cần tháo gỡ trước tiên để bảo đảm việc bán nông sản trên sàn TMĐT được thuận lợi?

Ông Bùi Huy Hoàng: Nông sản là mặt hàng có tính chất mùa vụ, phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Do đó, mặt hàng này đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan.

Về chất lượng nông sản, người tiêu dùng từ trước đến nay luôn có thói quen kiểm tra chất lượng tận tay rồi mới quyết định mua hàng. Tuy nhiên, để nông sản phân phối qua hình thức thương mại điện tử cần phải có đủ các điều kiện như: sự kiểm định của cơ quan chức năng, các loại giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, cam kết của nhà cung cấp. Điều kiện tiên quyết đó là chất lượng để đảm bảo uy tín cho nông sản.

Về năng lực logistics, để bảo đảm chất lượng, thời gian giao hàng đến tay người tiêu dùng thì kênh phân phối cần bảo đảm năng lực kho bãi, hệ thống bảo quản lạnh. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam còn chưa có nhiều hệ thống bảo quản lạnh do chi phí cao, bên cạnh đó mặt hàng nông sản lại có khối lượng lớn, giá trị kinh tế không cao.

Thêm vào đó, hiện đại đa số các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân còn chưa được tiếp cận cũng như có kiến thức về TMĐT, công nghệ số. Cùng với tư duy ngại thay đổi, ngại tiếp cận với cái mới, điều này được đánh giá là rào cản lớn nhất để nông sản Việt có thể bứt phá và theo kịp với xu hướng mới.

Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp, các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản mà các sàn TMĐT thực hiện trong thời gian qua?

Ông Bùi Huy Hoàng: Từ đầu năm 2021, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với các sàn TMĐT triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ nông sản địa phương như chương trình “Ngày đặc sản Sơn La", “Ngày hội xứ dừa - Quê hương Bến Tre", chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu, vải thiều Thanh Hà, chương trình “Phiên chợ nông sản Việt" hỗ trợ tiêu thụ Mận hậu Sơn La, Bơ Đắk Lắk, vải Bắc Giang, khoai lang tím Vĩnh Long và vải Hải Dương.

Trong khi đó, chương trình “Tuần lễ nông sản Việt" được triển khai thường kỳ bước đầu đã hỗ trợ các sản phẩm như nhãn xuồng Bến Tre, sầu riêng Ri6 Trà Vinh, nho xanh Ninh Thuận. Chương trình Hỗ trợ tiêu thụ Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương, Chương trình “Chung tay ủng hộ vải Bắc Giang" do Cục TMĐT và Kinh tế số chủ trì phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang, Tỉnh đoàn Bắc Giang cùng sự đồng hành của 6 sàn TMĐT. Đặc biệt, lần đầu tiên mô hình siêu thị hợp tác cùng sàn TMĐT tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã gây tiếng vang lớn và mang lại kết quả hết sức tích cực.

Tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT là giải pháp hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc một số thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ hàng hoá nói chung và mặt hàng nông sản nói riêng, đặc biệt là khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hoá theo phương thức TMĐT.

Nhằm hỗ trợ người dân, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương có nông sản vào mùa như Na Chi Lăng (Lạng Sơn), Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) hay các nông sản các tỉnh miền Trung Tây Nguyên và Nam Bộ... thực hiện chương trình hỗ trợ phân phối, kết nối thương mại, lên phương án tiêu thụ, phương án truyền thông hiệu quả trên môi trường số.

Xu hướng chuyển đổi số, đối mới mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp, trong có ứng dụng TMĐT trong phân phối hàng hoá là không phải bàn cãi. Đã có rất nhiều bài học thành công trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Lời khuyên của ông với bà con nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào bán hàng trên môi trường số là gì?

Ông Bùi Huy Hoàng: Mặt hàng nông sản hiện nay đang được các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng phối hợp để hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh trực tuyến. Bà con nên tận dụng và nắm bắt kịp thời cơ hội này để con đường tiêu thụ nông sản ngày càng rộng mở.

Để đưa nông sản lên TMĐT, bà con nông dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, bảo quản... để bảo đảm chất lượng đồng đều, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tham gia các chương trình đào tạo và tập huấn TMĐT, chủ động học hỏi, sáng tạo trong các phương thức ứng dụng TMĐT, quảng bá trên môi trường số.

Nhân viên sàn TMĐT hướng dẫn người trồng vải bán hàng trực tuyến.

Bà con cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, kết nối với các hợp tác xã, UBND xã, huyện, tỉnh tại địa phương, các Sở ngành địa phương và đặc biệt là với các sàn TMĐT đang hợp tác với các bộ, trong đó có Bộ Công Thương, để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn gặp phải khi từng bước chuyển mình sang hình thức tiêu thụ mới.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp cần hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu. Một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này, nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường. Do vậy sản phẩm xuất khẩu cần xác định được thị trường mục tiêu.

DN cũng cần hiểu biết về các quy định pháp lý về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu. Nắm vững các quy định và tiêu chuẩn này mới bảo đảm hàng hoá đạt các tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, DN cần nắm rõ quy trình logistics, bảo quản hàng hoá và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hoá có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên thương mại điện tử.

Mới đây,Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải xác định cuộc chiến phòng, chống COVID-19 còn lâu dài, phải xác định sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối. Do đó, nhiều người cho rằng,chính sách hỗ trợ kinh doanh nông sản trên các sàn TMĐT lâu dài sau đại dịch là rất cần thiết. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Bùi Huy Hoàng: Chắc chắn như vậy, cũng như cuộc chiến với đại dịch hiện nay, thành công trong TMĐT không phải là câu chuyện hôm nay hay ngày mai. Đó là cả một quá trình mà trong đó chính quyền và doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ để phát triển theo một mô hình mới.

Kinh doanh nông sản trên các sàn TMĐT hay TMĐT nói chung cần có sự hỗ trợ bằng chính sách một cách cụ thể và một cách đồng bộ từ các Bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương ngoài việc xây dựng chính sách quản lý thông thoáng nhưng hiệu quả trên môi trường số ra, có thể tổ chức các chương trình đào tạo về kinh doanh TMĐT cho doanh nghiệp nông nghiệp, hộ nông dân ở các tỉnh, thành địa phương; hay các chương trình đẩy mạnh bán hàng nông sản Việt trên môi trường số. Việc này Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các Cục, Vụ chức năng của Bộ đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần có những giải pháp nâng cao chất lượng hàng nông sản, quy hoạch vùng trồng hợp lý đảm bảo đủ nguồn cung trong nước và xuất khẩu một cách hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường hơn nữa công tác quảng bá, tuyên truyền cho nông sản Việt một cách hiệu quả.

Bộ Tài chính cần có chính sách thuế ưu đãi riêng cho việc tổ chức phân phối nông sản trên môi trường thương mại điện tử một cách chính quy, bài bản và có tổ chức. Bộ Giao thông vận tải cần có giải pháp hỗ trợ chi phí các phương án logistics, kho bãi ưu tiên cho hàng nông sản...

Trong khi đó, chính quyền nhân dân các tỉnh, thành phố nên có phương án và hỗ trợ chi phí cho các đối tượng này một cách cụ thể và thiết thực hơn nữa.

Ngoài ra, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ ở các nước có chính sách phát triển TMĐT nông thôn rất tốt và hiệu quả như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần phải bằng mọi cách, mọi biện pháp giảm chi phí vận tải, chi phí kho bãi, chi phí giấy tờ, chi phí lưu thông hàng hóa . Điều này không chỉ giúp cho nông sản trên TMĐT mà còn tốt cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Các Bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn, triển khai một sân chơi lành mạnh để bà con nông dân có thể học hỏi tiếp cận với hình thức mới.

Để nông dân tự mình vận hành được mô hình kinh doanh TMĐT với sản phẩm của chính mình, cần có sự chung tay của nhiều bên, cần nhiều thời gian nhưng điều quan trọng nhất chính là sự chủ động, sự mong muốn thay đổi, khát khao vươn lên của chính những doanh nghiệp nông thôn Việt Nam.

Tóm lại, cơ quan quản lý, Nhà nước tạo ra sân chơi, xây dựng các hoạt động mang tính định hướng, dẫn dắt thị trường đi đúng hướng. Tuy nhiên, để đi đến thành công, tức là thành công của doanh nghiệp thì cũng cần sự chung tay của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự chủ động của doanh nghiệp nông nghiệp hay chính người nông dân, người tạo ra sản phẩm nông nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình luận của bạn