Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Thuận: Nhiều chuyển biến tích cực
Cùng với cả nước, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã được Bình Thuận tích cực hưởng ứng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Trải qua 15 năm thực hiện (từ 2009 đến nay), cuộc vận động đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và nhà sản xuất đối với sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt…
Có thể nói, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Thuận từng bước đem lại hiệu quả thiết thực cũng nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trong suốt thời gian qua. Từ đó kêu gọi sự tham gia hưởng ứng cũng như phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành vi mua sắm của mọi người. Thể hiện rõ nét qua việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt Nam và khuynh hướng chọn dùng hàng sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại nhập ngày càng tăng… Với doanh nghiệp cũng cho thấy trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đảm bảo giá cả phù hợp cho sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tín nhiệm của người tiêu dùng.
Các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của Bình Thuận được hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, chỉ riêng 5 năm gần đây (2019 - 2024), công tác triển khai tuyên truyền về cuộc vận động tăng gần 85% so giai đoạn trước đó (2014 - 2019). Thực tế cho thấy việc thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động đã được nhiều ban ngành, đơn vị, địa phương, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận luôn thực hiện tốt vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đối với công tác này. Còn với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hàng tháng cũng đưa nhiệm vụ công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động vào chỉ đạo định hướng tuyên truyền…
Cùng tham gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục duy trì mô hình “Tổ phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và vận động cán bộ, hội viên thực hiện mua sắm, sử dụng hàng hóa có nguồn gốc, thương hiệu Việt Nam. Đồng thời phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn chị em phụ nữ tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tính đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ghi nhận có trên 250 tổ - nhóm phụ nữ đăng ký và thực hiện “Ưu tiên dùng hàng Việt” với hơn 5.000 chị tham gia… Trong khi Liên đoàn Lao động tỉnh thì thường xuyên phối hợp tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn, công chức, người lao động quan tâm hưởng ứng cuộc vận động và lồng ghép vào phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Mặt khác cũng tìm hiểu cung cấp thông tin, đăng tải tin bài có nội dung liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động thông qua Bản tin Công đoàn, Website và Facebook Công đoàn Bình Thuận.
Đa dạng hàng Việt tại các siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân địa phương. (Ảnh minh họa)
Đồng hành cùng hàng Việt
Song với công tác tuyên truyền, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt cũng được địa phương và sở ngành, đơn vị chức năng thực hiện bằng đa dạng hình thức. Như Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách quản lý về khoa học công nghệ, nhất là các chính sách tạo môi trường thuận lợi về kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh hoặc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ… Còn Sở Công Thương phối hợp thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đề án Khuyến công quốc gia và của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị. Qua đó nâng dần năng suất, chất lượng hàng hóa và giúp doanh nghiệp Bình Thuận tăng thêm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu.
Đồng hành cùng hàng Việt, các đơn vị chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn Bình Thuận tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hướng đến tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lợi thế, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương đến người tiêu dùng. Ngoài ra còn hỗ trợ tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và chương trình xúc tiến thương mại quốc gia... Được biết trong thời gian qua, tại địa phương đã có 11 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” được đơn vị chức năng hỗ trợ xây dựng. Cùng với đó hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp, cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho 95 lượt cơ sở và quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho gần 90 lượt tổ chức sản xuất - kinh doanh thanh long. Hay như tiến hành hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm như “Ớt chim Bình Thạnh”, “Mủ trôm Tuy Phong”, “Bánh tráng Chợ Lầu”, “Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải”, “Gạo Tánh Linh”...
Theo xu hướng chung, gần đây hàng Việt còn được hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử Bình Thuận hoặc kết nối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh với các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiktok, Lazada, Sendo, Tiki, Alibaba, Amazon... Song song đó, lực lượng chức năng của tỉnh cũng thường xuyên triển khai công tác quản lý thị trường, tăng cường chống buôn lậu và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng cũng như uy tín hàng Việt có chất lượng.
Góp phần đưa cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả trong tình hình mới, tới đây công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển các mô hình sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, đặc biệt là với sản phẩm nông nghiệp giá trị cao gắn với lợi thế của Bình Thuận. Bên cạnh duy trì các điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, địa phương cũng phối hợp đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thương hiệu, chất lượng, giá cả phù hợp về khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng hàng hóa mang thương hiệu Việt. Ngoài ra còn kiến nghị Trung ương tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất - kinh doanh, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và mạng lưới bán lẻ hàng Việt rộng khắp trên địa bàn tỉnh…