Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt

Bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Ðưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng, kết nối cung – cầu hàng hóa…, sau gần 15 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam không chỉ là khẩu hiệu mà đã đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa dùng hàng Việt.

Hiện nay, các mặt hàng Việt Nam đạt chất lượng cao, an toàn thực phẩm chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Bảo Chi (ở 306/34 đường Hoàng Văn Thụ, TP Quy Nhơn) chia sẻ: Trước đây, tôi thường mua bánh kẹo, hoa quả ngoại nhập sử dụng hay biếu tặng, nhưng nay chuyển hẳn sang hàng Việt Nam. Hàng ngoại nhập thường không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng còn hàng Việt giá phải chăng, mẫu mã, chất lượng đẹp và ngon hơn so với trước, đặc biệt mình có thể yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ.

Sở Công Thương và UBND các huyện, thị, thành phố đã hỗ trợ kinh phí để các đơn vị, DN mở điểm bán hàng Việt tại các địa phương.

– Trong ảnh: Điểm bán hàng Việt ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân.  Ảnh: HẢI YẾN

Từ chỗ phải kêu gọi ủng hộ, đến nay hàng Việt Nam đã thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã và có mặt ở hầu hết chuỗi siêu thị lớn nhỏ và các cửa hàng tiện lợi.

Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng, hàng tạp hoá trong tỉnh cho thấy, có khoảng hơn 90% số sản phẩm là hàng Việt. Tại hệ thống siêu thị MM Mega Market Quy Nhơn, Go!, Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Winmart…, hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 65 – 97%. Tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng chiếm từ 70 – 80% trở lên.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Marketting, siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, cho biết: Hiện nay, 90% số mặt hàng trong siêu thị là do Việt Nam sản xuất, ưu tiên trưng bày tại các kệ trung tâm để khách hàng lựa chọn. Trong đó, siêu thị ưu tiên khu bán hàng 40 sản phẩm của Bình Định đạt chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các thương hiệu: Phong Nga, DULAH, Sachi, Phương Nguyên, Lá Lành… Các sản phẩm được lựa chọn bán ở siêu thị có sự đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã, giảm giá thành.

Bà Đặng Thị Cẩm Lai, Giám đốc Công ty TNHH DULAH (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân), chia sẻ: Đầu tháng 9, sản phẩm trà nụ hoa hoè của công ty chúng tôi đã được đưa lên kệ của hệ thống siêu thị Co.opmart. Trước đó, công ty đã đưa sản phẩm vào các điểm bán hàng Việt trong toàn tỉnh như: Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn… Chúng tôi hy vọng có kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn ngay tại tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành Công Thương tỉnh cùng với hơn 30 tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để tăng cường kết nối cung – cầu hàng hóa phục vụ thị trường trong tỉnh và các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Lào Cai, Quảng Ninh… Chúng tôi tổ chức kết nối thương mại, làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối của các tỉnh để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng; tổ chức và hỗ trợ DN tham gia hơn 50 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng Việt do Bình Định và các tỉnh, thành tổ chức; giới thiệu, cung cấp danh sách 2.000 sản phẩm của tỉnh đến các tỉnh, thành phố có hệ thống phân phối lớn.

Nhờ đó, rất nhiều nông sản, sản phẩm OCOP được kết nối, đưa vào hệ thống phân phối của các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị và được ưu tiên hỗ trợ truyền thông, quảng bá tiêu thụ, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, sử dụng, và đánh giá cao…

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân, Hội CCB… đã thực hiện tốt Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền về cuộc vận động, lồng ghép với các phong trào của hội về việc lựa chọn sử dụng hàng Việt bảo đảm chất lượng, phù hợp với thu nhập và nhu cầu của người dân…

Theo ông Nguyễn Đình Kha, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, bình ổn giá đối với mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, hàng hóa… Bên cạnh đó, các DN cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm; chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.

 

Sở Công Thương và UBND các huyện, thị, thành phố đã hỗ trợ kinh phí để các đơn vị, DN mở điểm bán hàng Việt tại các địa phương.

– Trong ảnh: Điểm bán hàng Việt ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân.  Ảnh: HẢI YẾN

Bình luận của bạn