Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham gia Đoàn Công tác của Chính phủ về công tác chống dịch Covid-19 tại một số tỉnh phía Nam

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương đã tháp tùng Thủ tướng và tham gia Đoàn Công tác của Chính phủ làm việc tại một số tỉnh thành phía Nam về công tác phòng chống dịch bệnh, cung ứng và lưu thông hàng hóa, đảm bảo đời sống cho người dân.

Trong sáng ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch theo tinh thần xuống tận nơi, mắt thấy tai nghe việc chống dịch và bảo đảm cuộc sống của nhân dân tại xã phường.

Chuyến làm việc nhằm đánh giá sơ bộ việc triển khai tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Bình Dương kể từ ngày 23/8, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát, thúc đẩy, động viên các cơ sở, xã, phường trong phòng chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam.

Tại điểm kiểm tra đầu tiên, Bệnh viện quốc tế Becamex, TP. Thuận An, Thủ tướng theo dõi việc điều trị các bệnh nhân nặng; kiểm tra cơ sở vật chất tại đây. Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 (bệnh viện tầng 3 điều trị COVID-19) tại Bệnh viện Becamex do BS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phụ trách chỉ đạo. Hiện có 270 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện tầng 3 này.

Điểm tiếp theo trong lịch trình công tác của Thủ tướng là nơi quản lý và điều trị các trường hợp F0 thuộc tầng 1 của tháp điều trị, đặt tại Trường Tiểu học Bình Thuận, phường Thuận Giao, TP. Thuận An.

Hiện cơ sở này đang điều trị cho 412 trường hợp F0, trong đó có khoảng 30% có triệu chứng nhẹ, số còn lại có triệu chứng nặng hơn. Tính tổng cộng, cơ sở quản lý và điều trị này đã điều trị cho 1.228 bệnh nhân, trong đó 90% đã khỏi bệnh, 10% do chuyển biến nặng hơn nên được chuyển lên tuyến trên.

Đoàn công tác của Thủ tướng tới kiểm tra khu tập kết, chuẩn bị các gói thực phẩm hỗ trợ người dân tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Đông Phú, phường Thuận Giao; thăm các hộ gia đình đang thuê trọ và kiểm tra việc sẵn sàng hỗ trợ nhân dân về an sinh xã hội, y tế và bảo đảm an ninh, an toàn tại khu dân phố Bình Quới A, phường Bình Chuẩn.

Tại đây, Thủ tướng nhắc lại và chỉ đạo chính quyền địa phương khi tăng cường giãn cách, ngay từ cấp xã, phường phải làm bằng được việc bảo đảm cho người dân không thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng lương thực, thực phẩm; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội; kêu gọi, vận động, thuyết phục, đề nghị người dân chia sẻ khó khăn, tích cực, chủ động cộng tác, thực hiện các biện pháp đã đề ra.

Cũng trong  sáng 27/8, Đoàn Công tác của Thủ tướng đến kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh và chống dịch tại Công ty TNHH Saigon Stec (TP. Thủ Dầu Một) - chuyên cung cấp module máy ảnh cho máy tính bảng, điện thoại… Công ty đang thực hiện có hiệu quả mô hình “3 tại chỗ” với 2.000 công nhân trong tổng số 6.600 công nhân vẫn duy trì làm việc.

Báo cáo Thủ tướng, ông Wada Kazuhito, Tổng Giám đốc Công ty, đánh giá cao mô hình “3 tại chỗ” với sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Sắp tới, Công ty sẽ triển khai thêm phương án “1 cung đường – 2 điểm đến”, dự kiến sẽ đưa thêm 3.000 công nhân trở lại làm việc và tiến tới đủ 6.600 công nhân. Lắng nghe các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ Công ty về mọi mặt để tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và cuộc sống cho công nhân. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ quan tâm nhiều mặt tới hoạt động của các doanh nghiệp, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất an toàn, trong đó có vấn đề tiêm vaccine cho công nhân.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, chiều ngày 26/8, tại Văn phòng chính phủ phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã tham dự cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, làm việc với các Đoàn kiểm tra trong sáng nay về tình hình kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM.

Sau cuộc họp, vào 17 giờ chiều cùng ngày, tại trụ sở UBND TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Trực tuyến với 312 “pháo đài” phường xã tại TP HCM về thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương trên địa bàn Thành phố.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị của Thành phố. Thủ tướng đặc biệt cảm ơn Nhân dân Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc, đóng góp, ủng hộ, chia sẻ, góp phần vào những kết quả nhất định đã đạt được. Người đứng đầu Chính phủ  cũng chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân Thành phố thời gian qua. Ông nhấn mạnh: Người dân vừa là trung tâm để cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị phục vụ, vừa là chủ thể của việc phòng chống dịch. Chiến thắng của dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Gỡ vướng cho lao động “3 tại chỗ” ở một số khu công nghiệp

Trước đó, sáng ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại TP HCM về vấn đề lao động “3 tại chỗ ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đoàn đã đến kiểm tra hoạt động của Công ty Pepperl+Fuchs, doanh nghiệp của Đức chuyên sản xuất sản phẩm về công nghệ như cảm biến, thiết bị truyền tín hiệu tại Khu chế xuất Tân Thuận; Công ty Dược phẩm An Thiên tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, kiểm tra tình hình hoạt động của Cảng Hiệp Phước; Công ty Chế biến lương thực thực phẩm Cholimex Food tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc;  thị sát trung tâm phân phối, đi chợ thay, chuẩn bị túi thực phẩm của Quận 7 tại Ủy ban Trung ương MTTQ Quận 7 và làm việc với Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu kinh TPHCM (Hepza) về tình hình sản xuất trên địa bàn Thành phố hiện nay.

Các doanh nghiệp này đều sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, với số lượng công nhân làm việc chỉ còn 30-50% so với bình thường.

Đại diện Công ty Pepperl+Fuchs cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” từ ngày 12/7 với 206 công nhân trong số 879 lao động của công ty. Mỗi ngày công ty lo 3 bữa ăn cho người lao động, trong đó bữa trưa, chiều trị giá 30.000 đồng/suất/người. Một tuần công ty xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho người lao động 2 lần. Công ty trả lương 175% cho những công nhân thực hiện "3 tại chỗ".

Còn theo đại diện Cholimex, công ty có hơn 1.800 lao động, giờ giảm 50%, chỉ còn hơn 900 lao động làm việc tại chỗ. Sản lượng hiện chỉ bằng 70% so với bình thường. Tuy nhiên, công ty đã duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hơn 40 ngày qua. Mặc dù chi phí tăng cao do phải lo ăn ở tại chỗ, tiền phụ cấp cho công nhân, tiền xét nghiệm, công ty vẫn phải tiếp tục hoạt động để giữ bạn hàng, giữ thị trường, giữ chân người lao động.

Công ty Dược phẩm An Thiên - doanh nghiệp sản xuất thuốc, hiện đang tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” với hơn 120 công nhân. Công ty đang tích cực hoàn thành 10.000 túi thuốc an sinh dành cho các F0 tự chữa trị.

Theo lãnh đạo cảng Tân Cảng Hiệp Phước, từ ngày 8/7 cảng bắt đầu trực hiện “3 tại chỗ”, đồng thời truy vết những công nhân nghi nhiễm để sàng lọc cách ly và điều trị. Để hỗ trợ khách hàng nhận container hàng nhập dỡ từ tàu cập cảng Hiệp Phước, Tân Cảng Sài Gòn miễn phí giao nguyên container cho khách hàng, miễn phí lưu bãi, miễn phí 24 giờ vận hành container lạnh, hỗ trợ thực hiện thủ tục sửa vận đơn đổi cảng đích sau khi khách hàng đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục trên hồ sơ giấy và trên hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia.

Các công ty như Pepperl+Fuchs, Cholimex cho biết, hiện các công nhân “3 tại chỗ” đã được tiêm phòng COVID-19 mũi một và nguyện vọng của công ty và người lao động là mong muốn được lực lượng y tế đến tận công ty để tiêm phòng mũi thứ hai.

Về việc Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ mỗi công nhân thực hiện “3 tại chỗ” 1 triệu đồng để doanh nghiệp nấu ăn, doanh nghiệp cho rằng đây là việc làm thiết thực giúp nâng cao dinh dưỡng để người lao động có sức khỏe làm việc tốt hơn và chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này.

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Uy Danh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pepperl+ Fuchs Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" từ ngày 12-7 với 206 công nhân (trong số 879 lao động của công ty).

Mỗi ngày, công ty lo 3 bữa ăn cho người lao động, trong đó bữa trưa, chiều trị giá 30.000 đồng/suất/người. Công ty xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người lao động 2 lần/tuần; trả lương 175% cho những công nhân thực hiện "3 tại chỗ".

Ông Danh cho biết hiện các công nhân "3 tại chỗ" đã được tiêm mũi một vắc-xin Covid-19. Ban giám đốc và người lao động mong muốn được lực lượng y tế đến công ty để tiêm phòng mũi thứ hai cho tất cả người lao động để an tâm sản xuất.

Doanh nghiệp cũng mong muốn sớm mở lại sản xuất theo mô hình "2 tại chỗ + xét nghiệm nhanh". Về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ mỗi công nhân thực hiện "3 tại chỗ" một triệu đồng/người tiền ăn, ông Danh cho rằng đây là việc làm thiết thực giúp nâng cao dinh dưỡng để người lao động có sức khỏe làm việc tốt hơn và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong lúc này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp cũng như người lao động đang gặp phải trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Bộ trưởng khẳng định Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành liên quan đang rất nỗ lực, tìm kiếm các giải pháp tốt nhất có thể trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Bộ trưởng, giải pháp "3 tại chỗ" sau một thời gian triển khai đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Do vậy, trong Văn bản gửi tới Bộ Y tế ngày 6/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung một số giải pháp liên quan đến tiêm phòng và phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý doanh nghiệp cần xác định “sống chung với dịch” để có những phương án hoạt động phù hợp. Bởi nhìn nhận thực tế hiện nay, chưa có dự báo cũng như ai dám khẳng định khi nào dịch sẽ kết thúc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong hướng dẫn của Bộ Công Thương thì điều kiện để doanh nghiệp có thể tái sản xuất cần phải tiêm cho người lao động 1 mũi vắc xin trở lên. Điều kiện thứ 2 là người lao động phải được hỗ trợ xét nghiệm nhanh (2-3 ngày/lần), xét nghiệm PCR (1 tuần/lần) và phải tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp đã tiêm vacxin và xét nghiệm đầy đủ nhưng tuyệt đối không được chủ quan để đảm bảo an toàn và giữ sức khỏe cho công nhân duy trì sản xuất.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng gợi ý doanh nghiệp qua hoạt động thực tiễn trong thời gian qua gặp những khó khăn, bất cập nào thì cần chủ động đề xuất cơ chế, chính sách để Chính phủ tháo gỡ kịp thời.

Qua báo cáo, nắm tình hình và trực tiếp đi kiểm tra tại một số doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, các doanh nghiệp đều thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, trước khi đi vào sản xuất, công nhân phải được xét nghiệm khẳng định âm tính với SARS-CoV-2. Dây chuyền sản xuất được sắp xếp phù hợp, bảo đảm giãn cách.

“Cần xác định rõ ‘còn người, còn của’, tính mạng, sức khoẻ của công nhân là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói. Dứt khoát bảo đảm an toàn dịch bệnh mới được sản xuất và sản xuất phải an toàn. Đây là tiền đề cho việc duy trì, bảo đảm sản xuất trong điều kiện dịch bệnh.

Bình luận của bạn