Đẩy mạnh tiêu thụ Na Chi Lăng và các Sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn trên các Sàn thương mại điện tử thông qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến"
Sáng ngày 19 tháng 7 năm 2021, tại Trung tâm Xúc tiến Nông nghiệp Hà Nội, Hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức được diễn ra theo phương thức trực tiếp và trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp
Tham gia Hội nghị có Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch Hà Nội, các hiệp hội cùng các Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Sen Đỏ và nhiều doanh nghiệp khác tại các điểm cầu Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, các Bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương đã có những phương án đồng hành, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản trên cả nước nói chung, sản phẩm nông sản của Lạng Sơn nói riêng nhằm giúp cho bà con nông dân ổn định đầu ra, đưa sản phẩm nông sản chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng theo đúng tiêu chuẩn phòng dịch, hướng đến phát triển mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, giữ an toàn sức khỏe toàn dân vừa phục hồi và duy trì phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chống dịch khó khăn.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, sáu tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được kết quả tích cực, vùng sản xuất Na tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tổng giá trị sản xuất Na ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên ha canh tác Na đạt 275 triệu/ha. Vùng sản xuất Rau tập trung tại thành phố và các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia có xu hướng mở rộng diện tích các loại rau đặc sản, có giá trị kinh tế của tỉnh (ngồng cải bắp, cải ngồng hoa vàng, rau bò khai,...) 3.000 ha, tổng giá trị sản phẩm rau thu được ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, giá trị trung bình của 01 ha rau ước đạt 135 triệu đồng/ha. Vùng sản xuất Hồng tại các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc với diện tích 1.700ha, sản lượng đạt 6.000 tấn, giá trị ước đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm.Vùng cây Thạch đen tại các huyện: Tràng Định, Bình Gia, diện tích trên 3.000 ha, sản lượng ước đạt 10.000 tấn, giá trị đạt khoảng 250 tỷ đồng/năm. Vùng sản xuất Quýt tại các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn với diện tích 1.400 ha, giá trị thu được gần 100 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn có các vùng nguyên liệu tập trung như: vùng trồng khoai tây, khoai lang tại Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng; vùng trồng hồng Bảo Lâm, Vành Khuyên tại Cao Lộc, Văn Lãng; vùng trồng đào cảnh tại Thành phố, Cao Lộc, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình…
Bên cạnh đó nhằm đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, các sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn đã được cấp mã số vùng trồng cho 12,18 ha chuối tại Văn Lãng, 40 ha Na tại Chi Lăng; 60 ha thạch đen tại huyện Tràng Định, sáu tháng cuối năm 2021 tiếp tục triển khai hỗ trợ cấp mã số cho 115 vùng trồng thạch đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, những năm qua tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Từ đó, tỉnh Lạng Sơn đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, đặc biệt là cây ăn quả đặc sản như na, hồng, quýt và một số cây có múi khác.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ “Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm Na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021 là kết quả của sự thay đổi nhận thức, tư duy bằng cách ngoài những hoạt động phân phối nông sản theo phương thức truyền thống chúng ta đã đổi mới sáng tạo bằng những hình thức trực tuyến trên không gian ảo chắc chắn sẽ đem lại hiệu ứng cộng hưởng hiệu quả không chỉ cho sản phẩm Na Chi Lăng và còn rất nhiều những sản phẩm nông sản khác nữa trên cả nước"
Trong khuôn khổ Hội nghị, Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai từ năm 2019 được cho là một trong những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho sản phẩm nông sản Lạng Sơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số chia sẻ, là đơn vị thiết kế xây dựng và trực tiếp triển khai Chương trình, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp chặt chẽ với các Sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post)... với mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, “Siêu thị hàng Việt uy tín” này đã mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trên toàn quốc có thể hoàn toàn yên tâm khi mua sắm trong siêu thị hàng Việt này khi chất lượng hàng hoá được giám sát và quản lý với sự phối hợp của cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương.
Ông Bùi Huy Hoàng - Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương
Thời gian vừa qua, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng các Sàn thương mại điện tử đã tổ chức những sự kiện mang tính lan toả và đem lại hiệu quả vô cùng thiết thực. Cụ thể, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các Sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn (Viettel Post) thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến" tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương như “Ngày đặc sản Sơn La" (Sendo.vn), “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre” (Sendo.vn), đẩy mạnh tiêu thụ Hành tím Sóc Trăng (Voso.vn), Phiên chợ Nông sản Việt trên Sàn thương mại điện tử Sendo, chương trình hỗ trợ tiêu thụ Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương, chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên trên 6 Sàn thương mại điện tử tại Việt Nam (bao gồm cả Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart và Lazada) đã hỗ trợ tiêu thụ hàng nghìn tấn vải thiều thương phẩm. Đặc biệt, lần đầu tiên quả vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu thành công lô đầu tiên sang thị trường Châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử Voso Global của Viettel Post qua chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Viettel Post.
Với những kinh nghiệm cùng các Sàn thương mại điện tử vận hành chương trình thời gian qua, Doanh nghiệp cả nước nói chung cũng như bà con, các hợp tác xã, doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn nói riêng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, “Gian hàng Việt trực tuyến" chính là sân chơi uy tín, tin cậy, tạo ra hướng đi mới, ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, khi tham gia vào “Gian hàng Việt trực tuyến" Doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia thương mại điện tử “cầm tay chỉ việc", tư vấn hoàn toàn miễn phí từng bước từ khâu đăng ký gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán, đóng gói, giao hàng, các kĩ thuật đẩy mạnh tiêu dùng hiện đại… Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến” còn được hỗ trợ truyền thông quảng bá sản phẩm, được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ các sàn thương mại điện tử, được hỗ trợ chi phí chuyển phát, và hỗ trợ các giải pháp tài chính từ các đối tác của chương trình.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh và đơn vị phân phối hàng hóa có cơ hội trao đổi, tìm hiểu về việc phát triển kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Đại diện Sàn thương mại điện tử Sen Đỏ (Sendo.vn), Vỏ Sò (Voso.vn) cũng đã trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn quy trình và cách thức phân phối hàng hóa, chính sách ưu đãi do các sàn thương mại điện tử xây dựng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử và “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”.
Đại diện Sàn thương mại điện tử Sen Đỏ chia sẻ kinh nghiệm phân phối mặt hàng nông sản và những chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ bà con, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Đại diện Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò chia sẻ quy trình, cách thức phân phối hàng hoá, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp
Trọng tâm trong chương trình Hội nghị lần này còn có Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn nhằm đánh dấu sự hợp tác sâu rộng của ba bên nhằm triển khai các giải pháp thiết thực giúp sản phẩm nông sản địa phương của tỉnh Lạng Sơn mở rộng kênh phân phối mới, bắt kịp xu thế phát triển trong thời đại công nghệ số 4.0.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn (tại điểm cầu Hà Nội)
Hình ảnh tại các điểm cầu Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang.