Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn TMĐT năm 2023

Thời gian qua, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết ... đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Tiếp nối thành công của giai đoạn I (2015-2020), Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (2021-2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.

Nằm trong chuỗi sự kiện, hoạt động triển khai thực hiện Chương trình, ngày 15 tháng 9 năm 2023, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức buổi Hội thảo: “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023”.

Hội thảo được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), góp phần hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trong giai đoạn hiện nay.

Chủ động kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn những năm qua được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước với nhiều mục tiêu luôn vượt kế hoạch đề ra. Năm 2022, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đến được trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch 53,53 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2022, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Bước sang năm 2023, ngành Nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở những tín hiệu  của ngành Nông nghiệp, nhằm tiếp tục hiện thực hóa những mục tiêu lớn đặt ra về tăng trưởng, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, Bộ NN&PTNT xác định quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản Việt thông qua nhiều giải pháp, trong đó nhóm các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động kết nối cung cầu và kết nối tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng hóa phương thức tiếp cận thị trường, quảng bá tiêu thụ hàng nông sản.

Thực tế thời gian qua cho thấy, có rất nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của các địa phương trên cả nước được mùa, có sản lượng lớn và thời gian thu hoạch ngắn rất dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong ngắn hạn. Nhờ có sự chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cơ bản được thuận lợi, giá cả tương đối ổn định và có lợi cho người sản xuất đồng thời tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu cuộc sông.

Ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp cho hay: Đối với việc xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền thời gian qua có sự tham gia tích cực của các đơn vị chức năng Bộ Công Thương, đặc biệt Vụ Thị trường trong nước.

Nhờ đó, các sản phẩm này đã tiêu thụ khá tốt ngay tại thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Việc chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên sàn thương mại điện tử sẽ giúp góp phần mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm này tới với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng trên sàn TMĐT

Tại hội thảo, các đại biểu đã cung cấp thông tin về tình hình tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn TMĐT, những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn TMĐT. Đồng thời, Hội thảo cũng đưa ra một số giải pháp và định hướng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên các sàn TMĐT nhằm khẳng định chỗ đứng của các sản phẩm này trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Cũng tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm vùng miền đã chia sẻ thông tin, thảo luận kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong nước và quốc tế, đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục triển khai các hình thức, giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp để phát huy đầy đủ hiệu quả của các kênh TMĐT nhằm kết nối hiệu quả các sản phẩm hàng hóa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm vùng miền của các doanh nghiệp.

Bà Lê Việt Nga – chia sẻ, ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn chia cắt, giao thông gặp nhiều khó khăn. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, sản lượng hàng hóa thấp, chất lượng mẫu mã không đảm bảo đó chính là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân.

Để khắc phục những tồn tại bất cập trên, theo bà Nga, điều này đòi hỏi cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ: Về chỉ đạo điều hành sản xuất, cần tập chung định hướng cho bà con nông dân đưa vào sản xuất các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của địa phương, tiếp dụng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và kinh nghiệm trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm; chủ động, sáng tạo trong chế biến, đóng gói nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa và khắc phục yếu tố mùa vụ;  đối với công tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử, thông qua hình thức livetream bán hàng trực tiếp, chủ động lồng ghép các yếu tố văn hóa, yếu tố bản địa vào sản phẩm, nâng cao giá trị góp phần nâng cao đời sống bà con nhân dân.

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực này, việc tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.

Cũng trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc kết nối xúc tiến giao thương các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn TMĐT.

 

Bình luận của bạn