Dịch COVID-19 là khoảng thời gian chứng kiến sức sống của hàng Việt

Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm thì thị trường trong nước nổi lên như bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Hồ Hải, phó bí thư Thành ủy TP.HCM (bên phải), tham quan gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam bên lề Hội nghị tổng kết cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày 6-5 - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ông Nguyễn Hồ Hải, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đã nói như vậy về những chuyển biến, những giá trị của hàng Việt trong suốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Phó bí thư phát biểu tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2021 và triển khai chương trình hoạt động năm 2022 trên địa bàn TP.HCM sáng 6-5. Hội nghị do Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP.HCM tổ chức.

Cũng theo ông Hải, TP.HCM nói riêng, trong thời gian giãn cách thì nguồn cung hàng thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả thị trường.

"Quan trọng nữa là thương mại điện tử nổi lên như giải pháp hiệu quả, bởi mua sắm trên mạng là cách duy nhất để có những thứ người tiêu dùng cần nhưng vẫn an toàn, thuận tiện, nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ đã có hình thức kinh doanh phù hợp: bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, giao hàng tận nơi. Thực tế cho thấy, nền tảng thương mại mở ra cơ hội mua sắm phong phú, đa dạng, dễ dàng…", ông Hải cho biết.

 

Ông Hải đánh giá chung năm 2021, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào chiều sâu, chuyển biến, và tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tỉnh, thành khác; nhất là địa phương có quan hệ tương tác thương mại với thành phố. Ông cũng đưa ra những kiến nghị như trọng tâm tuyên truyền, thực hiện 5 nhóm giải pháp của TP.HCM, tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp…

Ngoài ra, đánh giá sự chuyển biến của cuộc vận động này, nhiều doanh nghiệp cho rằng đại dịch COVID-19 khiến hàng Việt được khẳng định hơn.

Theo ông Lê Trường Sơn - phó tổng giám đốc Saigon Co.op, tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đạt trên 90% và được duy trì suốt nhiều năm qua.

Cho rằng đây là cơ hội lớn cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh, chia sẻ: "Chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh năm 2020-2021 đã tạo cơ hội lớn cho người tiêu dùng Việt nhận ra, hàng tiêu dùng Việt đáp ứng được các yêu cầu tiêu dùng, sản xuất...".

Theo thống kê, năm 2021 thành phố 30.289 doanh nghiệp được thành lập mới (giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký 517.694 tỉ đồng (giảm 53,5% so với cùng kỳ năm trước). Năm nay, tại TP.HCM có 80 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường 2021-2022.

Bình luận của bạn