Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022
Ngày 23/9/2022, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) năm 2022 với chủ đề Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong kỷ nguyên mới gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn. Cùng chủ trì Diễn đàn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX.
Tham dự Diễn đàn tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan của Quốc hội, đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự Diễn đàn được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các địa phương.
Đây là Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng HTX với quy mô toàn quốc, với mục đích tăng cường quan hệ Chính phủ - Hợp tác xã; Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và Đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền tải thông điệp quan trọng của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình KTTT (nòng cốt là các tổ chức KTHT, HTX) là thành phần kinh tế quan trọng. Tinh thần đổi mới bao gồm thay đổi tư duy nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động, quản lý sự thay đổi gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình KTTT một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu và tăng nguồn lực cho sự phát triển.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc; giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hòi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất. Phát triển khu vực KTTT luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm. Phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới nêu rõ quan điểm: KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thời gian qua, khu vực KTTT nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn. Năng lực, nội lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là một số nội dung hoạt động chưa theo kịp tình hình, trong đó chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể.
Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Thủ tướng gợi mở một số nội dung để các đại biểu tập trung thảo luận như phân tích cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX nói riêng; những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và đề xuất giải pháp (đặc biệt là giải pháp thể chế, chính sách) và các giải pháp cụ thể, gắn với từng bộ, ngành cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực kinh tế hợp tác, HTX; các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương trao đổi, chia sẻ và giải đáp các đề xuất với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, HTX và người dân.
Trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Đặc biệt 03 năm qua với nhiều bất ổn khi đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, tuy vậy, nhiều HTX vẫn vững vàng phát triển trong giai đoạn này, góp phần hỗ trợ kinh tế thành viên, cung cấp nhu yếu phẩm cho toàn xã hội. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong mọi hoạt động là một trong những yếu tố giúp cho các hợp tác xã đạt được kết quả trên.
Chính vì vậy, Diễn đàn KTHT, HTX năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển KTHT, HTX xã trong kỷ nguyên mới gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022” nhằm tập trung trao đổi về những kinh nghiệm, thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực KTTT, HTX và định hướng chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các HTX. Đây cũng là dịp để thúc đẩy quan hệ giữa Chính phủ và cộng đồng KTHT, HTX nhằm hướng tới xây dựng hành lang pháp lý, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy khu vực KTHT, HTX tại Việt Nam phát triển; cụ thể hóa các Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022./.