Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đón cơ hội từ thị trường Trung Quốc
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc như: sầu riêng, chuối, mít, xoài, gạo… sẽ tiếp tục có cơ hội tăng trưởng mạnh vào cuối năm.
Tất bật chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, mặc dù Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên trái cây Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Bà Vy dự báo: Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu trái cây sẽ tiếp tục khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh.
Bên cạnh đó, với việc mở rộng cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị Quan sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc trong những tháng cuối năm.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam thông tin, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Đối với sầu riêng, phía các nhà vườn và doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục để được Hải quan Trung Quốc cấp thêm mã số mới. Bên cạnh sầu riêng, các loại trái cây khác như thanh long, xoài, chuối, mít… cũng tăng trưởng mạnh.
Việc mở rộng cửa khẩu như đề xuất từ phía Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước. Đặc biệt trong những tháng cuối năm, là mùa cao điểm xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước. Việc sớm mở rộng khu vực cửa khẩu này sẽ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang nước bạn.
Cũng theo ông Nguyên, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc tăng mạnh như sầu riêng, chuối, mít, xoài, gạo… Dự báo những mặt hàng này sẽ tiếp tục có cơ hội tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Nhiều cơ hội xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc
“Thông thường cuối năm và thời gian rộ vụ thu hoạch thường xảy ra tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu do các xe vận chuyển lên nhiều. Do đó, việc mở rộng cửa khẩu giúp tình trạng thông quan hàng hóa diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt là những mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn như nhãn, vải, thanh long. Thông quan nhanh giúp chất lượng hàng hóa được đảm bảo, tránh tình trạng hư hỏng”, ông Nguyên chia sẻ.
Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 9/2023 ước đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,134 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ 2022. Thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc khi chiếm tới hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ. Một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn sẽ duy trì tăng trưởng cao. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Trung Quốc ngày càng cao và để tạo cú huých cho các ngành hàng, doanh nghiệp phải đầu tư bài bản để xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời có các biện pháp tránh lây nhiễm và làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra cần nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc nhằm nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu cũng như bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau, quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp. Cụ thể, từ ngày 1/1 - 20/7/2023, trung bình xuất khẩu 179 xe/ngày, tổng phương tiện xuất khẩu đạt 35.851 xe, tăng 219,1% so với cùng kỳ năm 2022. Với phương tiện nhập khẩu trung bình đạt 396 xe/ngày, tổng phương tiện nhập khẩu đạt 78.944 xe, tăng 156,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, đặc biệt là sầu riêng. Tất cả các lô hàng sầu riêng khi nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải kiểm tra chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, về nguồn gốc xuất xứ…