Đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng góp phần tích cực kích cầu tiêu dùng nội địa
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc Vận động) thành phố Hà Nội đã có sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của thủ đô nói riêng. Các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa.
Ngày 28/7/2022, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022.
Tích cực triển khai nhiều hoạt động
Từ đầu năm đến nay, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, hiệu quả, ban chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đã chung tay tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng; đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, góp phần kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng đẩy giá bán lên cao.
Đặc biệt, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tổ chức tại Thủ đô Hà Nội là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động năm 2022.
Để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, Sở Công thương đã tổ chức Tuần hàng Việt; chương trình khuyến mại tập trung Thành phố; tổ chức các hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố; Giới thiệu, kết nối nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong việc tiêu thụ… của các tỉnh, thành phố…vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm…; Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố đến các quận, huyện, thị xã…
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các quận, huyện, thị xã cùng các đơn vị thành viên đã tuyên truyền, giám sát các cơ sở kinh doanh vật tư y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch, hạn chế việc găm hàng, tăng giá để trục lợi; tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá thị trường tránh tình trạng thu gom hàng hóa gây bất ổn trong thời gian xảy ra dịch bệnh: Huyện Chương Mỹ xử phạt vi phạm hành chính 180 triệu đồng đối với hành vi cố ý tàng trữ hàng hóa thực phẩm nhập lậu; huyện Sóc Sơn đã phát hiện và xử lý nghiêm 01 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… đã xử phạt 23,9 triệu đồng; các lực lượng liên ngành quận Ba Đình kiểm tra, xử lý 44 vụ, tổng số tiền thu nộp hơn 1,1 tỷ đồng…
Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Nguyễn Lan Hương đánh giá cao những kết quả Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, thể hiện trong 3 kết quả nổi bật: công tác tuyên truyền; nhiều hoạt động đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng; tham mưu cho thành phố làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước.
6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, cần tập trung tốt công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, trong đó, cần thay đổi về nội dung, phương thức tuyên truyền đến người dân, đoàn viên, hội viên và doanh nghiệp; tuyên truyền ấn phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021” để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam trên địa bàn Thành phố, các tỉnh thành bạn và nước ngoài.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022” theo đúng kế hoạch; Tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo trong mọi công việc, đặc biệt là sự phối hợp giữa các sở với các quận, huyện thị, cơ quan báo đài của Thành phố...
Ngoài ra, cần làm tốt công tác tham mưu trong công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, làm tốt công tác thị trường chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tham mưu cho Thành phố tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp chủ lực phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ khởi động chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2022”. Thời gian thực hiện bình chọn từ tháng 7 đến tháng 10/2022.
Chương trình là hoạt động tiêu biểu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu, tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa cộng đồng các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ được bình chọn với người tiêu dùng. Qua đó, nâng cao vị thế hàng hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và niềm tự hào về hàng Việt