Đưa hàng Việt vào các thị trường khó tính

Trong khi hàng ngoại đang tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại để xâm chiếm các kênh bán lẻ trong nước thì ở chiều ngược lại, hàng hóa Việt Nam lại yếu thế trong việc chen chân vào các siêu thị ở nước ngoài, nhất là tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ... Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý và nỗ lực từ chính các doanh nghiệp trong nước.

Rào cản chất lượng và thương hiệu

Sau nhiều năm đàm phán, Australia vừa chính thức cấp phép cho xoài nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được Australia cấp phép nhập khẩu sau vải thiều.

Bộ Công Thương đang đàm phán với các chuỗi siêu thị ngoại lớn như Big C, Metro, AEON… để đưa hàng Việt vào các hệ thống này trên toàn cầu. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

HTX xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, Xuân Lộc, Đồng Nai) đã đạt được thỏa thuận với 2 đối tác đến từ Australia. Dự kiến, thời gian tới, mỗi ngày sẽ có khoảng 18 tấn xoài của HTX này xuất khẩu sang thị trường Australia để bán tại các siêu thị. Đại diện đơn vị này cho biết, không dễ để trái xoài vào được các siêu thị tại Australia. Các loại xoài nhập khẩu bắt buộc phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng liên quan đến vườn trồng, cơ sở đóng gói, nhãn mác; quy trình bảo quản, đóng gói, liều lượng chiếu xạ và xử lý nhiệt hơi… Trái xoài còn phải được thu hoạch ở vườn trồng tiêu chuẩn, được đăng ký cấp phép bởi Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Không chỉ xoài, thời gian qua, nhiều loại nông sản Việt Nam đã manh nha tìm đường vào siêu thị ở nước ngoài như chôm chôm, vú sữa sang Nhật, gạo sang Singapore… Đương nhiên, muốn xuất khẩu qua kênh phân phối nước ngoài thì các mặt hàng này cũng phải đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng và thương hiệu.

Bánh kẹo Việt Nam tại một siêu thị tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Ảnh: Hoàng Dương

 

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Thụy Sỹ, tại thị trường nước này, hàng hóa nông sản châu Á chủ yếu đến từ Thái Lan, Trung Quốc. Trong các hệ thống siêu thị lớn ở Thụy Sỹ như Migros, Aldi, Denner, hầu như rất ít hàng Việt. Hàng nông sản của ta phải cạnh tranh với các nước Nam Âu như Tây Ban Nha hay Pháp, đều là những quốc gia nông nghiệp mạnh. Hoặc nếu so sánh với hàng Thái Lan thì người tiêu dùng lại có xu hướng chọn hàng Thái vì giá rẻ hơn và thương hiệu được biết tới nhiều hơn. Có mặt hàng của Việt Nam từng được đưa vào thị trường Thụy Sĩ song sau một thời gian đã bị cấm nhập khẩu do nước bạn phát hiện không đạt tiêu chuẩn. Điều này cho thấy điểm yếu của hoạt động quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại của chúng ta, khiến khách hàng nước ngoài còn chưa biết đến thương hiệu hàng Việt.

Với nhóm hàng dệt may, khó khăn cũng không kém. Đa phần các doanh nghiệp (DN) vẫn chọn cách làm may gia công xuất khẩu, thu tiền nhanh thay vì trực tiếp xây dựng thương hiệu và kết nối đưa ra thị trường nước ngoài. Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang cho biết, việc xuất khẩu sản phẩm dệt may Đức Giang sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu không phải là chuyện khó nhưng để đưa được hàng trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài thì vẫn chưa làm được. Theo ông, DN sẽ mất rất nhiều công sức nếu phát triển sản phẩm theo hướng này. 

Đối với thị trường xuất khẩu, May Đức Giang chủ yếu là làm hàng gia công cho các đối tác nước ngoài, kèm theo là cung ứng nguyên phụ liệu. Gần đây, công ty có cung ứng thêm phần thiết kế cho các thương hiệu. “Tuy nhiên, việc xây dựng và đưa các thương hiệu dệt may Việt Nam ra nước ngoài bằng thương hiệu của chính DN Việt Nam thì còn rất nhiều khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Bộ Công Thương, để vào được hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài, DN Việt cần tự vận động, đổi mới sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng các quy định của siêu thị ngoại. Theo các chuyên gia, trước mắt nên xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản vì đó là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, đồng thời việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu không quá tốn kém. Sau đó, sẽ đến các sản phẩm dệt may, công nghiệp với hàm lượng tri thức cao hơn. 

Cần bàn tay hỗ trợ

Vừa qua, công ty sữa TH True Milk đã xúc tiến đầu tư dự án nhà máy sản xuất sữa tại Liên bang Nga. Trong khi đó Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại xúc tiến đầu tư sang Mỹ. Đây là những tin vui cho DN Việt Nam và mở ra triển vọng hàng hóa Việt Nam đặt chân vào các thị trường khó tính. Cách làm như TH True Mink và Vinamilk là bước đi mạnh dạn để khẳng định uy tín thương hiệu, nhưng chỉ có những DN có tiềm lực kinh tế mới đủ sức thực hiện.

Có một cách làm khác khá hiệu quả đã được một số DN nhỏ áp dụng là mở công ty phân phối hàng hóa tại thị trường các nước. Để xuất khẩu gạo sang thị trường Singapore với thương hiệu riêng, Công ty Gạo Cỏ May (Đồng Tháp) đã thành lập một công ty phân phối tại nước này. Công ty này sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm đối tác, tìm hiểu những điều kiện, yêu cầu của đơn vị thu mua để giúp sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn. “Chúng tôi quyết định xây dựng thương hiệu gạo mang chính tên công ty. Sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định khắt khe từ phía siêu thị thì năm nay, gạo Cỏ May mới chính thức được lên kệ tại siêu thị Singapore. Ngoài việc thành lập công ty tại Singapore, chúng tôi còn tuyển nhân viên là người bản địa vì họ hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng, các đối tác”, đại diện công ty cho hay.

Dù chưa có thống kê cụ thể về số lượng hàng Việt Nam trực tiếp đưa được vào hệ thống siêu thị ở nước ngoài nhưng các chuyên gia thương mại cho rằng đây là cách làm cần thiết. Cách làm này tuy đòi hỏi DN phải đầu tư nhiều hơn về tiền bạc và công sức nhưng hàng hóa lại bán được giá cao hơn so với việc xuất khẩu qua đối tác nước ngoài. Qua đó cũng sẽ xây dựng được thương hiệu hàng Việt vững chắc ở thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực để tự thân đi đầu tư hay xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Do đó, vai trò kết nối của các cơ quan chức năng giữa DN trong nước với các hệ thống phân phối nước ngoài là rất quan trọng.

Những năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng, tạo cơ hội đưa hàng hóa Việt Nam trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài. Theo Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Để thực hiện đề án này, Bộ Công Thương đang tích cực thực hiện nhiều chương trình như tổ chức đàm phán, hợp tác với các tập đoàn, siêu thị nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam để họ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam vào hệ thống siêu thị của họ trên toàn thế giới như Big C, AEON, Lotte… Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn xúc tiến thương mại quốc gia đến Pháp và Italy với nhiều chương trình như giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại trụ sở vùng Emilia, Romagna (Italia), kết nối giao thương DN Việt với hệ thống thu mua Conard và Coop Italia, chương trình Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị lớn Casino Lyon của Pháp…

Vừa qua, Bộ đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp xúc tiến đưa trực tiếp hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống phân phối tại Pháp - nơi có gần 400.000 người Việt sinh sống. Đây là lần thứ 3 hoạt động này được tổ chức. Các sản phẩm được trưng bày tại siêu thị Casino Gambetta (công ty mẹ của chuỗi siêu thị Big C - PV) ở thành phố Lyon gồm hoa quả tươi, nem gói sẵn đông lạnh, tôm đông lạnh, hoa quả đóng hộp, đồ uống, gạo, một số mặt hàng may mặc... Năm 2015, giá trị các hàng hóa Việt Nam được Casino phân phối đạt 30 triệu USD với 800 mặt hàng và 60 nhà cung cấp. 

Bình luận của bạn