Đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn vào các hệ thống phân phối

Ngày 14/6, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã làm việc với Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn nhằm hỗ trợ kết nối nông sản, hàng hóa vào hệ thống phân phối.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Kạn, Bắc Kạn là tỉnh miền núi ở vị trí trung tâm các tỉnh Việt Bắc, tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất tự nhiên là 485.996 ha, trong đó 459.756 ha là đất nông nghiệp. Do đó, tỉnh có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nổi bật là các sản phẩm nông sản có thương hiệu tập thể, có chỉ dẫn địa lý, hiện nay đang phát triển sản xuất tập trung với quy mô tương đối lớn, sản phẩm đạt chất lượng, từng bước thâm nhập thị trường phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu. Tỉnh Bắc Kạn đang sở hữu những sản phẩm nổi bật như: Miến dong, chè Shan tuyết, tinh bột nghệ, hồng không hạt, gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo Japonica, gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn, bí xanh thơm, cùng nhiều sản phẩm khác... Một số sản phẩm nông sản như: Miến dong, chè, bún khô, phở khô, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, gạo Bao thai, gạo Japonica, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ) đã có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,... Để sản phẩm có thể đi xa và đến được đông đảo người tiêu dùng trong nước, nhóm giải pháp về kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa là hết sức quan trọng. Do đó, tỉnh Bắc Kạn mong muốn được giới thiệu các sản phẩm đến các nhà phân phối, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, tăng cường giao thương, liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm của địa phương.

Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều điều kiện thuận lợi và phát triển ổn định, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả phù hợp, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 5.961 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là nông lâm sản được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, theo dõi, nắm bắt biến động thị trường để kịp thời bình ổn thị trường và hỗ trợ người dân liên kết, tiêu thụ nông sản thông qua tổ chức Hội chợ, tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Hà Nội, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển thương mại điện tử Voso, Postmart...

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã giới thiệu các sản nông sản, đặc sản đặc trưng của đơn vị mình về chủng loại, số lượng, tiêu chuẩn chất lượng,... và mong muốn kết nối với các kênh siêu thị, hệ thống phân phối trên cả nước. Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối cũng đã chia sẻ về nhu cầu, tiêu chuẩn quy cách để sản phẩm có thể vào được hệ thống các siêu thị, đồng thời cho biết sẵn sàng hỗ trợ gian hàng, quầy hàng để cho Bắc Kạn có thể trưng bày, quảng bán sản phẩm của địa phương tại hệ thống phân phối của họ.

Ngoài ra, đại diện các siêu thị cũng cho hay, mặc dù Bắc Kạn có vùng nguyên liệu đầu vào sạch, sản phẩm tốt, tuy nhiên, các doanh nghiệp, HTX chưa biết cách làm marketing. Bên cạnh đó, khối lượng sản phẩm không lớn, chưa trở thành hành hóa, khiến chi phí vận chuyển bị đội lên. Do đó, việc thay đổi cách thức truyền thông, đẩy mạnh quảng bá về hình ảnh, và khi hàng hóa vào được hệ thống siêu thị rồi thì cần thường xuyên chăm sóc sản phẩm của mình tại hệ thống siêu thị để kéo dài vòng đời sản phẩm trên kệ siêu thị. Các địa phương, HXT, doanh nghiệp cũng cần xác định sản phẩm chủ lực, phát triển chuỗi giá trị, xây dựng chiến dịch phát triển thương hiệu nhằm tạo dấu ấn cho người tiêu dùng. Đồng thời, cũng cần chú ý đến xu hướng mới về nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng trong việc chọn mua các sản phẩm. Bám sát nhịp sống thị trường, làm chặt chẽ với các chuỗi bán lẻ, tổ chức các tuần hàng quảng bá, các hoạt động trao đổi giao thương với nhà phân phối không chỉ vì mục tiêu bán hàng mà còn giúp nắm bắt nhu cầu thị trường để có những điều chỉnh phù hợp.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đánh giá, sản phẩm các tỉnh/thành nói chung và Bắc Kạn nói riêng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, do đó, việc đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của nhà phân phối là rất khó. Làm sao để sản phẩm có sự khác biệt, để các nhà phân phối, nhà bán buôn, bán lẻ phải tìm đến đặt hàng cũng là vấn đề đặt ra. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bắc Kạn cũng cần tham mưu cho tỉnh để xây dựng chiến lược, chương trình từ đó có được những mặt hàng riêng, khác biệt của địa phương mình. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa người mua - người bán, giữa các nhà phân phối với nhau để có được nguồn hàng đủ về số lượng và đúng về chất lượng. Các liên kết này phải đảm bảo được thực thi một cách nghiêm túc.

Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đến nay, các sản phẩm nông lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã phát triển đa dạng phong phú, bước đầu trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến, một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh ngày càng được mở rộng, phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bình luận của bạn