Gặt những “mùa vàng” trên đất Cao Phong
Hợp tác xã 3T Farm - huyện Cao Phong - Hoà Bình là mô hình tiêu biểu trong câu chuyện xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số, mở đường cho xu hướng trồng cam theo hướng hữu cơ ở tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, 3T Farm cũng đưa ra các sản phẩm từ Cam như hộp cam quà tặng, rượu cam… để đa dạng sản phẩm từ quả cam.
Đa dạng hoá sản phẩm cam Cao Phong
Bà Vũ Thị Lệ Thuỷ - Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm - khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, được nhiều người làm nông nghiệp cả nước biết đến bởi chị chính là chủ nhân của sản phẩm OCOP 4 sao “Cam quà tặng cao cấp 3T Farm”.
Gắn bó với đất cam từ tấm bé, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ thấu hiểu sự vất vả của người trồng cam, đặc biệt là bà con miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên đất Hoà Bình cũng như sự thăng trầm của quả cam Cao Phong. Hiện nay, HTX có 184 hộ, có 50% là người đồng bào vùng dân tộc thiểu số và 70% là người nghèo, cận nghèo và thoát nghèo.
Để cam Cao Phong có chỗ đứng bền vững trên thị trường, theo chị Thuỷ, cần phải sản xuất an toàn, minh bạch quy trình sản xuất, có tem truy xuất rõ ràng. Nói là làm, chị bắt tay thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Quy trình chăm sóc khắt khe, tốn nhiều công sức và chi phí, nhưng sản phẩm của chị khi đưa ra thị trường giá không cao hơn các sản phẩm khác là mấy.
Suy nghĩ một mình đi một con đường sẽ rất khó thành công, tháng 8/2018, chị Thuỷ mạnh dạn vay vốn thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong liên kết các hộ có cùng chí hướng, chung tay sản xuất. Đến nay, 3T Farm có 15 thành viên và 21ha đất trồng cam đang cho thu hoạch với sản lượng hàng năm khoảng 350 tấn đạt tiêu chuẩn VietGap và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, vùng sản xuất của 3T Farm tương đối lớn.
Cam 3T Farm đã được chứng nhận OCOP 4 sao với thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn và cửa hàng thực phẩm sạch. Tháng 11/2021, cam 3T Farm được duyệt và đưa vào phục vụ tại kỳ họp Quốc hội. Hợp tác xã 3T Farm còn là 1 trong 35 dự án vượt qua hơn 740 dự án của cả nước đoạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.
“Định hướng của HTX ngay từ ban đầu là sản xuất gắn với bảo vệ sức khỏe người lao động, người tiêu dùng và phát triển vì một nền kinh tế xanh bền vững. Chúng tôi nhận thức rằng liên kết sản xuất sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản. Các thành viên đoàn kết thực hiện phương châm của 3T Farm “Vườn cam 3 tốt: tốt giống, tốt đất và tốt từ tâm”. Chỉ có như vậy thì thương hiệu và sản phẩm cam Cao Phong mới có thương hiệu, đứng vững trên thị trường” – bà Vũ Thị Lệ Thuỷ chia sẻ.
Ngoài cam tươi, 3T Farm còn có các sản phẩm chế biến từ cam như mứt cam, detox cam, bột cam nguyên chất, trà hoa cúc, trà hoa đu đủ đực, trà hoa đậu biếc... HTX đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử
Có được nguồn nông sản tốt, HTX 3T Farm còn nỗ lực đa dạng đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh các kênh truyền thống, trước đây, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ chỉ sử dụng facebook để giao lưu với cộng đồng làm nông nghiệp sạch, chia sẻ quá trình canh tác nhưng nhiều người comment hỏi mua, rồi dần dần facebook, zalo thành kênh quảng bá và bán hàng chính.
Mỗi lần livestream, hợp tác xã có thể chốt bán vài tạ cam, chưa kể các bài đăng lẻ, đăng trong hội nhóm. Công nghệ đã giúp kết nối những mối hàng từ Bắc vào Nam, mang tới cho hợp tác xã hàng nghìn đơn hàng.
Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm còn xây dựng thêm fanpage cho hợp tác xã và hướng dẫn các thành viên khác livestream bán hàng trên trang cá nhân.
Hiện tại, hợp tác xã cơ bản chủ động về đầu ra, 70 – 80% đơn hàng được chốt qua nền tảng công nghệ, thay vì chờ thương lái đến vườn thu mua như trước kia.
Ngoài mạng xã hội, HTX 3T Farm còn phối hợp với Bưu điện huyện Cao Phong xúc tiến đưa cam và sản phẩm chế biến từ cam lên sàn thương mại điện tử Postmart.
Sử dụng các kênh thương mại điện tử có thuận lợi là tiếp cận đến người tiêu dùng nhanh và tiếp cận được đến số đông và đến được phân khúc khách hàng mục tiêu mà mình mong muốn. Tuy nhiên, bà Thuỷ chia sẻ, trong quá trình đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử, hợp tác xã phải đối diện với không ít khó khăn. Trước hết là thành viên hợp tác xã 100% là nông dân, trong đó có 50% là người đồng bào vùng dân tộc thiểu số và 70% là người nghèo, cận nghèo và thoát nghèo, nên kiến thức về công nghệ của gần như là bằng 0 nên chưa khai thác, sử dụng các nền tảng số một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, do đặc thù sản phẩm của hợp tác xã là nông sản tươi nên quá trình vận chuyển rất dễ bị hư hỏng, bị méo dập… Những hạn chế này là rào cản để đưa sản phẩm của hợp tác xã bán rộng rãi trên các nền tảng online, sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, bởi vì 3T Farm hướng đến quy trình sản xuất an toàn và giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất. Do vậy khi mà mùa vụ tới thì các loại côn trùng chích, hút sản phẩm rất nhiều, sản phẩm hàng loại 2, loại 3 rất lớn, chất lượng bên trong rất tốt nhưng về hình thức, mẫu mã bên ngoài thì không đẹp. Trong khi đó nhu cầu người tiêu dùng bây giờ không chỉ đòi hỏi ngon bổ mà phải đẹp.
Do đó, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ mong muốn được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực để có thể tự vận hành được việc mà chúng tôi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, được hỗ trợ việc hoàn thiện các sản phẩm chế biến theo các tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm chế biến, đáp ứng được các yêu cầu về mặt chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, HTX mong muốn đưa sản phẩm của mình giới thiệu, quảng bá ở thị trường bên ngoài tỉnh để đa dạng hoá đầu ra cho sản phẩm.