Hải Dương lan tỏa Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được các cấp, ngành tỉnh Hải Dương lan tỏa sâu rộng.

Nhiều mặt hàng giá trị cao

Nhờ phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, nhiều mặt hàng nông sản của Hải Dương ngày càng được người tiêu dùng tin dùng. Nổi bật phải kể đến như vải thiều Thanh Hà.

Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có 198 mã số vùng trồng vải được cấp, với tổng diện tích hơn 1.124 ha. Trong đó có 66 mã xuất Trung Quốc, 45 mã xuất Australia, 41 mã xuất Mỹ, 38 mã xuất Nhật Bản, 8 mã xuất Thái Lan. Huyện Thanh Hà có 167 mã với diện tích hơn 720 ha. TP. Chí Linh 25 mã với 384 ha và huyện Ninh Giang 6 mã xuất khẩu, diện tích 20 ha.

Vải thiều Thanh Hà là một trong những sản vật của Hải Dương được nhiều người tiêu dùng yêu thích

Vải thiều Thanh Hà là một trong những sản vật của Hải Dương được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Ảnh: Haiduong.gov.vn

Ngoài ra, Hải Dương có 21 mã số cơ sở đóng gói vải và xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở Thanh Hà. Các vùng trồng đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và có nhật ký canh tác. Trong quá trình chăm sóc, đơn vị chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát vùng trồng để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Cùng với vải thiều, các mặt hàng khác như: Gà đồi Chí Linh, bánh gai Ninh Giang, mắm cáy Thanh Hà, bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cuốn… cũng là những đặc sản nức tiếng của Hải Dương.

Để các sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, các cấp, ngành tỉnh Hải Dương một mặt đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong tầng lớp nhân dân về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mặt khác tích cực hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, như: Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại kết hợp với hoạt động thương mại truyền thống...

Ông Nguyễn Lương Ngọc – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Hải Dương) - đánh giá, các chương trình xúc tiến thương mại đã góp phần vào việc ổn định thị trường; phát triển thương mại nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu... Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp Hải Dương.

Việc tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung/cầu tại các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm trong nước cũng giúp doanh nghiệp Hải Dương quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của mình ra thị trường...

Gắn tuyên truyền với chương trình hoạt động của từng cơ quan

Thực hiện Kế hoạch số 885/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mới đây UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 2317/KH-UBND về việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2024.

Theo đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương gắn việc tuyên truyền thực hiện cuộc vận động với các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng có nhiều thông tin lựa chọn sản phẩm; có hình thức phù hợp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện cuộc vận động...

Sở Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là thị trường nông thôn trong tỉnh. Xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu của các sản phẩm, dịch vụ hàng Việt... Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; qua đó giúp nâng cao nhận thức và định hướng cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp mã số vùng trồng; nhân rộng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc…

Các sở, ban, ngành khác trong tỉnh tiếp tục tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rà soát đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc tiếp cận đất đai, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phía doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh về giá cả, mẫu mã của hàng hóa từng bước hướng tới phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả ...

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, về lâu dài các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương cần đổi mới, cải tiến áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo hoặc lợi dụng cuộc vận động để thực hiện các hoạt động trái pháp luật...

 

Bình luận của bạn