Hàng Việt chất lượng cao hấp dẫn khách hàng Nga

Hàng Việt Nam thực sự được người tiêu dùng Nga yêu thích và doanh nghiệp Nga mong muốn hợp tác kinh doanh là cảm nhận chung của các doanh nghiệp tham gia Hội chợ - Bán hàng Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015.

Nhiều mặt hàng trong tổng số hơn 80 tấn hàng của 162 doanh nghiệp tham gia Hội chợ - Bán hàng đã được bán hết chỉ trong 3 ngày đầu sau ngày khai mạc.

Đường dây nóng của INCENTRA đã nhận được nhiều cuộc gọi đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục bán hàng trong Hội chợ - Bán hàng Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015.

Đại diện của thương hiệu cafe G20 đã chia sẻ "Muốn mở rộng thị trường phải trực tiếp tham gia những Hội chợ - Bán hàng lớn như thế này mới có cơ hội nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng và tiếp xúc doanh nghiệp Nga. Sau ngày đầu khai mạc chúng tôi tưởng chỉ có người tiêu dùng tới mua hàng nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nhiều doanh nghiệp đã tới và tự mua hàng mẫu (không giới thiệu là đại diện doanh nghiệp để xin hàng mẫu), khi họ dùng thử thấy hài lòng về chất lượng thì mới gửi mail trao đổi, bố trí xe đón tới trụ sở công ty để gặp gỡ, thương thảo. Đây là điểm khác biệt với nhiều thị trường chúng tôi đã từng tham gia hội chợ. Mấy ngày nay tôi phải liên tục trao đổi qua email để giao dịch, đặt lịch hẹn làm việc với các doanh nghiệp, một vài hợp đồng phân phối đang trong giai đoạn thương thảo. Tôi không chỉ muốn thuê mặt bằng kinh doanh lâu dài ở Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội - Matxcova mà còn có ý định đưa cả gia đình sang đây sinh sống".

Các sản phẩm tương ớt, củ quả đóng lọ, nước mắm, magi, nước sốt, gia vị thực phẩm của thương hiệu Trung Thành đã bán rất đắt hàng tại Hội chợ nên sau 5m3 hàng mẫu đầu tiên, bà Vũ Thuý Nga - Giám đốc Công ty Trung Thành - đã vui vẻ nói "Sau khi bán thăm dò thị trường, chúng tôi đã có kế hoạch chuyển tiếp 30m3 hàng sang Nga để đáp ứng các hợp đồng và bán hàng trong Hội chợ. Ở đây chúng tôi không chỉ bán được các mặt hàng tiêu dùng mà còn đang thương thảo bán sản phẩm dấm lên men tự nhiên cho một nhà máy lớn chuyên sản xuất hàng công nghệ cao của Nga".

Với mục tiêu khảo sát thị trường nhằm chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng nhà máy sữa tại LB Nga, ngay sau 3 ngày đầu hội chợ nhận được phản ứng tốt của khách hàng, ngày 20/11 hãng sữa TH True Milk đã chuyển tiếp 2 tấn hàng qua đường hàng không tới Nga. Các sản phẩm sữa chua, sữa tươi, sữa hộp của Vinamilk cũng đã bán hết ngay trong 3 ngày đầu và chỉ còn hàng mẫu để trưng bày tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp.

Bên cạnh việc thu hút người tiêu dùng và doanh nghiệp Nga, Ban tổ chức Hội chợ - Bán hàng Hàng Việt Nam chất lượng cao Matxcova 2015 còn tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội thảo, chương trình khảo sát thị trường. Trong đó, các hội thảo kết nối doanh nghiệp ngành dệt may-giày dép; nông sản – thực phẩm; đồ gỗ – nội thất sẽ đưa các doanh nghiệp 2 nước lại gần nhau hơn và doanh nghiệp Việt có cơ hội nắm bắt được thông tin chính xác về thị trường Nga thông qua Hội thảo – thực hành: Một số kinh nghiệm thực tế tiếp cận thị trường Nga. ​Ông Lê Văn Thành – CTHĐQT Công ty CP Động Lực – nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp “Tôi thấy đây (Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội – Matxcova) đúng là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố cho doanh nghiệp Việt phát triển kinh doanh tại LB Nga. Doanh nghiệp chúng tôi sẽ ký hợp đồng thuê mặt bằng lâu dài tại Tổ hợp để chính thức đưa các sản phẩm của Động Lực sang thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu”.

Trong bài giới thiệu các kênh phân phối hiệu quả cho hàng Việt Nam, cơ hội cho các nhà  nhà sản xuất Việt Nam tại LB Nga, bà Marina Petrova -  Tổng Giám đốc Công ty Petrova Five Consulting nhận định: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần hợp lực để thay đổi tư duy làm hàng nhằm thay đổi nhận thức hàng hóa Việt Nam tại Nga, từ “dùng được, giá rẻ” tiến tới “chất lượng tốt, giá chấp nhận được”. Bên cạnh đó, cần xem trọng việc gắn kết với hệ thống các nhà phân phối tại nước sở tại để tìm chỗ đứng vững chắc. Để có chỗ đứng trên thị trường LB Nga, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến 5 yếu tố hàng đầu: đảm bảo chất lượng; chính sách giá ổn định tránh biến động; đối tác tin cậy; nâng cao uy tín thương hiệu; giữ mối quan hệ chặt chẽ với với người tiêu dùng.

Theo bà Marina Petrova hàng Việt Nam vào Nga tại thời điểm hiện tại vẫn qua các công ty trung gian. Họ mua nguyên liệu Việt Nam, tổ chức đóng gói, mẫu mã theo tiêu chuẩn và thương hiệu của Nga, bán lại cho các hệ thống phân phối với giá cao gấp vài lần. Đối với các nhà phân phối, không quan trọng là mua hàng từ người bán nào: công ty trung gian hay từ nhà sản xuất, miễn là hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã phù hợp, giá cạnh tranh.

Điều này thì các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được. Quần áo không đơn thuần là sản phẩm dệt may, cần xem mỗi sản phẩm như một đại sứ thương hiệu, thể hiện ý tưởng thiết kế nhất định. Vì thế quá trình tổ chức phân phối hàng hóa đòi hỏi có sự đầu tư nghiêm túc trong từng công đoạn. Một đại diện có uy tín và chuyên môn cao tại thị trường tiêu thụ sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu, thay đổi thị trường nhanh nhất.Nói về chiến lược marketing cho hàng Việt Nam tại LB Nga, ông Andrey Ignatov – GĐ điều hành Tập đoàn Kestler & Wolf cho biết: đối với các sản phẩm dệt may cần đưa ra thị trường không phải là các sản phẩm đơn lẻ mà cần giới thiệu các dòng sản phẩm (conlesions). Các doanh nghiệp Việt Nam cần thoát khỏi tư duy làm hàng gia công, chỉ đơn thuần là nhà sản xuất, gia công hàng cho các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Zara, H&M, Topshop, Calvin Klein, Tom Tailor, Mango....mà cần quan tâm đầu tư đến thương hiệu sản phẩm của riêng mình. 

                                                                 

Bình luận của bạn