Hành trình đưa chanh leo tím Việt Nam xuất ngoại
Chuyện về cây chanh leo tím cùng những người đã gắn bó, thức khuya dậy sớm với trái cây có mùi vị rất đặc trưng này bắt đầu đã nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods nhớ lại: "Nafoods đã lên và có thỏa thuận với Chủ tịch UBND tỉnh nhân dịp Tây Bắc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Nafoods đã tiến hành thành lập công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Điều rất đặc biệt là sau khi trồng tại Mộc Châu cho thấy chanh leo rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Tây Bắc. Chanh leo Mộc Châu đã trở thành thương hiệu tại Hà Nội và đặc biệt là Trung Quốc. Mặc dù Mộc Châu có nhiều hạn chế hơn Tây Nguyên nhưng hương vị có gì đó rất đặc biệt".
Trái chanh leo tím Mộc Châu có mùi vị rất đặc trưng
Chuỗi liên kết 4 nhà được hình thành trên cơ sở vững chắc. Chính quyền địa phương cam kết với sự phối hợp của doanh nghiệp để phát triển kinh tế địa phương. Để có chanh leo sạch, nông dân thị trấn Nông trường Mộc Châu trồng theo hướng chuyên canh tập trung và sản xuất an toàn. Vườn chanh được tưới đều đặn hàng ngày bằng hệ thống vòi phun. Nhờ điều kiện thích hợp, cây chanh leo nhanh chóng bén rễ và phát triển xanh tốt trên đất đồi cao nguyên. Chỉ nhờ nước tưới và phân hữu cơ, sau khoảng 4 tháng trồng có thể cho ra vụ đầu tiên và sau 3 năm cho quả, người trồng mới cần thay gốc.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, chuỗi giá trị nông nghiệp cạnh tranh toàn cầu bao gồm giá trị khép kín, bền vững, trồng trọt, chế biến và tiêu thụ, mang lại sự chủ động cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của các thương hiệu. Sau 2 năm được trồng trên đất Sơn La, đến nay vùng nguyên liệu của Nafoods Tây Bắc có gần 700 ha chanh leo, dự kiến đến năm 2021 sẽ phát triển ổn định bền vững với quy mô 5000 ha. Riêng với doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng cùng các cộng sự, việc chanh leo Sơn La được cấp chứng chỉ GlobalGAP và xuất khẩu 3 tấn chanh leo tươi đầu tiên sang thị trường Pháp và Thụy Sĩ được coi là giấy thông hành để đưa quả chanh leo chinh phục những thị trường khó tính nhất.