Hoạt động Logistics đóng góp quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu
Logistics là ngành đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cao.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thói quen của người tiêu dùng đã và đang thay đổi, phương thức giao dịch mua bán chuyển từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, nền kinh tế mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với hơn 500 tỷ USD xuất nhập khẩu mỗi năm; quy mô vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt đều rất lớn - đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics có thể tìm kiếm cơ hội.
Tuy nhiên cũng cần có đánh giá tổng quan về thực trạng kết cấu hạ tầng logistics.
Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao; nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Về đường bộ: Kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.
Về đường bộ cao tốc: Khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam bộ và phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương nối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.
Về đường sắt: Lĩnh vực đường sắt đã có nhiều nỗ lực, duy trì tình trạng kết cấu hạ tầng để nâng cao an toàn và rút ngắn thời gian chạy tàu. Phân bổ nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế tuy nhiên bước đầu hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đã được quan tâm đầu tư, từng bước được cải tạo, nâng cấp. Hiện tại đang triển khai 04 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Về đường thủy nội địa: Năng lực kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được nâng cao nhờ việc tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời với việc đưa vào sử dụng một số công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn, hiện đại và một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn ở Phía Nam và Phía Bắc. Tuy nhiên, việc khai thác đường sông để đưa hàng đến và đi từ cảng biển cần được quan tâm hơn nữa.
Về đường biển: Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 DWT đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và Châu Âu; cảng chuyên dùng tiếp nhận được tàu từ 100.000 tấn đến 320.000 tấn; từng bước phát triển hệ thống cảng cạn hỗ trợ hiệu quả cho việc khai thác cảng biển, phát triển dịch vụ logistics.
Về đường hàng không: Các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây dựng mới gồm Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm. Công nghệ điều hành bay hiện đại đảm bảo an toàn, tăng hiệu quả khai thác hạ tầng cảng hàng không.
Trong năm 2020, đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Số lượng các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan cũng gia tăng về số lượng và nâng cấp về công nghệ.
Về trung tâm logistics: Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, cả nước có tổng số 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030 đang được các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắk Nông, Tây Ninh, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ).
Năm 2020 tiếp tục có sự chuyển đổi từ trung tâm logistics truyền thống sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0. Với sự gia tăng mạnh của số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng phục vụ lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng..., nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối... theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao. Trong đó, hai mô hình trung tâm logistics điển hình về ứng dụng công nghệ là: trung tâm logistics và cảng cạn quốc tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0; và trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp.
Đáng chú ý, trong năm chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng Singapore đã khởi động Mạng lưới logistics thông tin ASEAN với dự án đầu tiên là Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ là điểm trung chuyển hàng hóa nội địa, hàng hóa xuất nhập khẩu và những mặt hàng khác tuyến Hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai và từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai.
Thực trạng năng lực kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2018, Việt Nam có 29.694 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động dịch vụ logistics. Tính đến ngày 30/9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) có 515 Hội viên, trong đó có 428 Hội viên chính thức và 87 Hội viên liên kết với 58 Hội viên là doanh nghiệp FDI. Hơn 80% hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số hội viên như: Transimex, Gemadept, Sotrans, Tân Cảng Sài Gòn là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics lớn, cung cấp dịch vu 3PL, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và có chi nhánh hoặc đại diện ở thị trường ngoài nước. 46/63 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam đã được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép và có Bond cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đi và đến Mỹ là Hội viên VLA, phục vụ đắc lực cho việc phát triển thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được FMC cấp phép, sau đó là Singapore 53, Malaysia 15, Philippine 13 và Indonesia 12.
Theo khảo sát của VLA thì các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới (3PL, 4PL) như: DHL, DB Schenker, Nippon Express, Sinotrans... đã có mặt tại Việt Nam. Thị phần của các doanh nghiệp logistics nước ngoài này chiếm khoảng 70-80% các dịch vụ logistics quốc tế. Một trong những nguyên nhân trên là trên 92% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được bán theo hình thức FOB và mua theo hình thức CIF. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục Hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ cảng biển,...
Kết quả hoạt động logistics trong thời gian vừa qua đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng GDP
Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics, trong giai đoạn 2016-2020, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng quốc tế và trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc góp phần thực hiện các FTA thế hệ mới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,89 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,41 tỷ USD, tăng 2%. Tính chung kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,77 tỷ USD, tăng 7,7%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 198,16 tỷ USD, tăng 20,1%, chiếm 74%. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 63%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%.
Theo Báo cáo "Đánh giá Cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Ngành Logistics tại Việt Nam" năm 2019: Ngành logistics của Việt Nam đạt tốc độ phát triển bình quân 12%-14%/năm, đóng góp vào GDP từ 4%-5% và bình quân 10 nước ASEAN, ngành Logistics đóng góp vào GDP trung bình 5% ở các nước thành viên ASEAN, thu nhận 5% việc làm trong ASEAN, tỷ lệ thuê ngoài khoảng 60%-70%, chi phí logistic tương đương 16,8% GDP.