Hội nghị Chính sách phát triển thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng trong bối cảnh mới

Trong khuôn khổ Hội nghị kết nối thương mại điện tử tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022 - Thúc đẩy phương thức phân phối mới, Hội nghị Chính sách phát triển thương mại điện tử - Định hướng tiêu dùng trong bối cảnh mới đã được tổ chức thành công, cùng với đó Chương trình kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã diễn ra chiều 09/9 và ngày 10/9/2022. Chương trình do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp cùng Sở Công Thương Cần Thơ nhằm mục tiêu chia sẻ những kiến thức, quy định và xu hướng của thị trường thương mại điện tử, nâng cao kiến thức ứng dụng thương mại điện tử cho các cơ quan quản lý, các đoàn thể, các doanh nghiệp, đồng thời định hướng cho người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch.

 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; đại diện, hội viên các Hiệp hội, ngành hàng; đại diện các sàn thương mại điện tử, các đối tác về chuyển đổi số và giải pháp tài chính cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh, đặc biệt là có sự tham gia của Đoàn thanh niên thành phố Cần Thơ, sinh viên khởi nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học, các hội viên Hội Phụ nữ thành phố, Hội Nông dân thành phố tại Cần Thơ và các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

 

Tập trung phát triển thị trường thương mại điện tử bao gồm xây dựng môi trường thương mại điện tử và tiêu dùng trực tuyến lành mạnh được xem là một trong những mục tiêu quan trọng được thành phố Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Trong bối cảnh kinh tế mới, thành phố Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang nỗ lực, tận dụng tối đa các công nghệ, giải pháp để ứng dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ thị trường và người tiêu dùng hướng đến tương lai số, xã hội số.

 

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã đã cung cấp những thông tin, quy định về thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam và cơ hội cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới. Theo đó, Kể từ khi ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (“Nghị định 52”), tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ, doanh thu TMĐT bán lẻ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 16,4 tỷ USD năm 2022. Trước những sự thay đổi mạnh mẽ từ công nghệ của thời đại 4.0, ngày 25/09/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (“Nghị định 85”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013 để đáp ứng các yêu cầu mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT.

 

Kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đang làm cho thế giới thu nhỏ lại để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững hơn, xóa bỏ được những bất lợi đang là gánh nặng, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được thị trường toàn cầu một cách dễ dàng hơn. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động thương mại điện tử luôn luôn song hành với nhau, đồng thời không ngừng phát triển các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các địa phương chuyển đổi số bài bản và đúng quy định pháp luật. Cơ hội cho các doanh nghiệp là rất nhiều khi thương mại điện tử phát triển, những kết quả tích cực từ thị trường nội địa sẽ mở đường cho thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp sản phẩm của Việt Nam, của Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu.

 

Ông Nguyễn Thanh Thống, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Cần Thơ

 

Tại Hội nghị, đại diện các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Voso, Tiki, Hội doanh nhân trẻ thành phố Cần Thơ đã có những chia sẻ về xu hướng và trải nghiệm của người tiêu dùng trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, định hướng giúp các doanh nghiệp tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển phương thức phân phối mới trong thời đại số.

 

Anh Dương Hoàng Long - Trưởng bộ phận Phát triển nguồn hàng sàn TMĐT Tiki

Theo anh Nguyễn Quách Nhi - đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, việc đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, các giải pháp về tài chính số... tại Cần Thơ và khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường lớn trong thời gian ngắn mà không phải đầu tư vào hệ thống cửa hàng, hệ thống phân phối, khá tốn kém và mất thời gian. Các mô hình hợp tác đa dạng, phương án vận hành, giải pháp tiếp thị từ các đơn vị thương mại điện tử sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương. Do đó, dù doanh nghiệp chưa có nhiều chuyên môn về thương mại điện tử, khi có các sàn thương mại điện tử lớn đồng hành cùng các gói hỗ trợ chuyển đổi số kinh doanh thì việc tham gia thị trường trực tuyến sẽ dễ dàng, bài bản hơn, cơ hội tiếp cận thị trường sẽ lớn hơn.

 

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phụ trách Sapo khu vực Miền Nam

 

Đại diện Công ty Sapo chia sẻ, trong giai đoạn sau đại dịch Covid thì xu hướng mua sắm thay đổi từ người tiêu dùng đến thời gian, cách thức mua sắm trên trực tuyến rất lớn… Đây là giai đoạn tiềm năng doanh nghiệp tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nắm bắt để khôi phục kinh tế. Việc vận hành, quản lý hoạt động kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến sẽ là vấn đề hạn chế đối với các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường này. Với các giải pháp tích hợp sẵn những hình thức thanh toán, các tính năng hoá đơn điện tử trên phần mềm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử thì bài toán kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp sẽ hạn chế được nhiều rủi ro, nắm bắt kịp thời các cơ hội để phát triển và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

 

Ông Lưu Tuấn Nghĩa, Giám đốc phát triển kinh doanh, Visa Việt Nam

 

Theo nhận định của Visa Việt Nam về xu hướng không dùng tiền mặt, từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, thanh toán tiền mặt ngày càng giảm tại Việt Nam, có khoảng 65% người tiêu dùng cho biết lượng tiền mặt trong ví của họ đã “ít đi” thay vào đó là những tấm thẻ và lựa chọn các phương thức ít tiếp xúc hơn. Khảo sát mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 cho thấy 61% người được khảo sát cho rằng mua sắm trực tuyến tiện lợi hơn tại cửa hàng và 72% cho rằng sẽ đặt các đơn hàng trực tuyến nhiều hơn nữa trong tương lai. Nhiều thói quen mới đã đã hình thành sau đại dịch, nổi bật là mua sắm trực tuyến, nhiều lĩnh vực cũng được dự đoán là sẽ hoàn toàn không dùng tiền mặt nữa ví dụ như du lịch quốc tế, mua sắm siêu thị, thanh toán hóa đơn … không ngừng phối hợp cùng các đối tác, ngân hàng và công ty công nghệ tài chính, để đưa ra những cải tiến trong thanh toán số giúp giao dịch nhanh chóng, an toàn và thuận tiện hơn cho người dùng. Và thanh toán không dùng tiền mặt được hy vọng sẽ thay thế dần phương thức COD truyền thống trên TMĐT hiện nay.

 

Ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc Học viện Chuyển đổi số NextAcademy, NextPay Group

 

Bên cạnh những nội dung về xu hướng thương mại điện tử và trải nghiệm tiêu dùng trong bối cảnh mới, đại diện Hội Doanh nhân trẻ thành phố Cần Thơ và đại diện NextPay Group - ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc Học viện Next Academy cũng đã chia sẻ thêm về những mục tiêu, giải pháp, tiềm năng và cơ hội chuyển đổi số, cơ hội khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng số với doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương để doanh nghiệp, hợp tác xã tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có góc nhìn tổng quan về tiềm năng khi phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến song song phương thức truyền thống, đặc biệt là giới thiệu và định hướng cơ hội việc làm trong lĩnh vực chuyển đổi số làm cho các bạn trẻ, các bạn sinh viên, Đoàn thanh niên thành phố Cần Thơ tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Lễ Ký kết hợp tác thương mại điện tử giữa Hội Doanh nhân Trẻ Cần Thơ với các đối tác đã diễn ra. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy giải pháp số hóa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu và một số sản phẩm đặc trưng tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số bền vững, tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. 

 

Chương trình ký kết sẽ Hỗ trợ số hóa thương mại điện tử các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông nghiệp tiêu biểu và một số sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ dân tăng thu nhập thông qua việc làm tăng hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy kết nối đầu ra cho các sản phẩm, cải thiện môi trường sống giao thương và phát triển thương mại số tại địa phương.

 

Mô hình vận hành tại sàn Tiki

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Tiki sẽ tạo điều kiện hợp tác ở cả 02 mảng của Tiki hiện tại là Marketplace (sàn giao dịch) và Retail (thu mua bán lẻ). Về hoạt động khuyến nghị thì Tiki sẽ liên tục xây dựng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút và thúc đẩy mua sắm. 

 

Bên cạnh đó, Tiki sẽ luôn hỗ trợ và đồng hành cùng Doanh nghiệp từ những bước đầu tham gia bán hàng thương mại điện tử (tư vấn, hướng dẫn đăng ký, tạo gian hàng, đăng sản phẩm). Tiki cung cấp giải pháp quảng cáo toàn diện giúp Doanh nghiệp mới có thể tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng và có doanh thu trong tháng đầu tiên. Đặc biệt, chúng tôi còn có hệ thống tài liệu chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, các lớp đào tạo bán hàng định kỳ và đội ngũ hỗ trợ để hỗ trợ giúp Doanh nghiệp tự tin và chủ động hơn trong việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử Tiki.” anh Nguyễn Quách Nhi - đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết thêm.

 

Ngày 10/9/2022 trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã diễn ra các hoạt động trưng bày sản phẩm, tư vấn trực tiếp và hỗ trợ đào tạo về ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng các giải pháp số cũng như phát triển thương hiệu trên nền tảng số theo phương thức 1:1 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất ở thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Nai, Bến Tre … tham gia Chương trình thông qua các đối tác như các Sàn TMĐT, Sapo, Hội doanh nhân trẻ thành phố Cần Thơ cùng các Đoàn viên thanh niên thành phố Cần Thơ, đạt được kết quả hết sức tích cực.

Đoàn Thanh niên thành phố Cần Thơ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã

 

Sapo hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp Hậu Giang

 

Doanh nghiệp chia sẻ ý kiến, trao đổi về ứng dụng thương mại điện tử

 

Các sản phẩm tiêu biểu tại Hội nghị

Doanh nghiệp tham dự Hội nghị chụp ảnh giao lưu cùng Đoàn Thanh niên thành phố Cần Thơ

 
Bình luận của bạn