Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các các Sở, ban ngành Trung ương và địa phương, đại diện từ Hiệp hội ngành hàng/ngành nghề, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị phân phối, các sàn thương mại điện tử, …
Hội nghị còn thu hút hơn 400 doanh nghiệp sản xuất của gần 60 tỉnh, thành phố trong cả nước, hơn 100 đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng và lãnh đạo sở, ban, ngành có liên quan của gần 40 địa phương.
Chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung – cầu của thị trường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Hội nghị này là hoạt động thường niên trong 5 năm trở lại đây có ý nghĩa thiết thực trong việc chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung – cầu của thị trường Hà Nội, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường. Đặc biệt đúng dịp cuối năm và phục vụ Tết Nguyên Đán, Hội nghị đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường.
“Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong công tác kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, của các hợp tác xã, hộ nông dân”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định và cho hay hoạt động này không những thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước mà qua đó còn cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, cũng như thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thứ trưởng mong muốn thông qua Hội nghị, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội trong việc kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng hướng tới tiêu dùng xanh vào các hệ thống bán lẻ. Các nhà quản lý, lãnh đạo các cấp, ngành và địa phương có cơ hội lắng nghe, trao đổi, thảo luận, truyền đạt kinh nghiệm và có những đề xuất, giải pháp hữu ích, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Gian hàng Việt trực tuyến”: điểm nhấn của Chương trình
Trong khuôn khổ của Hội nghị, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với một số sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam triển khai xây dựng đã chính thức được vận hành.
“Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sàn thương mại điện tử là nơi tập hợp các hàng hoá chất lượng của Việt Nam, các thương hiệu Việt Nam uy tín hoặc những sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương, được thiết kế chia theo các lĩnh vực như nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thủ công mỹ nghệ, hàng OCOOP, thực phẩm, đồ gia dụng, mỹ phẩm, đặc sản địa phương... để thực hiện phân phối trên các Sàn thương mại điện tử uy tín tại Việt Nam.
“Gian hàng Việt trực tuyến” trước mắt sẽ triển khai trên 3 sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki với mục tiêu tạo một sân chơi mới cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số, kết nối thị trường trong nước, hướng tới sự phát triển bền vững, từ đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người tiêu dùng trong nước cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
“Siêu thị hàng Việt trực tuyến” bắt đầu từng bước xây dựng, được kỳ vọng sẽ là một điểm đáng tin cậy mới cho người tiêu dùng trong cả nước trải nghiệm mua sắm hàng hóa Việt, sản phẩm các vùng miền địa phương trên các sàn thương mại điện tử, từng bước mở rộng thị phần của sản phẩm Việt Nam tới mọi miền đất nước thông qua phương thức phân phối hiện đại.
Trong bối cảnh mới sau dịch Covid-19 vừa qua, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng 4.0, Chương trình này hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi và có cơ hội tiếp cận trở lại thị trường.
Đặc biệt, các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... sẽ là động lực mới của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới, mang đến nhiều cơ hội cùng với thách thức mới cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phải cùng nhau đồng hành tạo nên một cộng đồng hàng Việt từ hệ thống các siêu thị lớn, siêu thị quy mô vừa và nhỏ, hệ thống chợ truyền thống, các hệ thống buôn và bán lẻ cho tới kênh phân phối hiện đại trên thương mại điện tử cùng bắt tay nhau nỗ lực củng cố vị thế của mình và phát triển bền vững hơn nữa ở thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp, sản phẩm tham gia phân phối hàng hoá trên “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các Sàn thương mại điện tử, đơn vị chuyển phát cũng như các đối tác hợp tác của Chương trình. Ngoài ra, các doanh nghiệp đăng ký tham gia sẽ được hỗ trợ, tư vấn miễn phí từ đơn vị triển khai và Sàn thương mại điện tử để thực hiện các thủ tục, hướng dẫn cách thức phân phối trên "Gian hàng Việt trực tuyến
Thông tin liên hệ và đăng ký tham gia chương trình:
Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.
Điện thoại hỗ trợ: 0989052055
Email: hangvietonline@moit.gov.vn