Hơn 45.000 người đã tiêm vaccine Covid-19, không ca nhiễm mới
Những người được tiêm đợt 1 đều là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Trong số 45.140 người được tiêm tại 19 tỉnh/thành phố trong các ngày từ 8-28/3, tỉnh Hải Dương vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 18.026 người, Tp Hà Nội 7.584 người, Tp Hải Phòng 1.194 người, Hưng Yên 2.752 người, Bắc Ninh 2.869 người, Bắc Giang 3.185 người, Hòa Bình 1.670 người, Hà Giang 1.078 người, Điện Biên 881 người, Tp Đà Nẵng 117 người.
Tỉnh Khánh Hòa 105 người, Gia Lai 1.513 người, Tp.HCM 1.337 người, Bà Rịa - Vũng Tàu 87 người, Bình Dương 1.854 người, Long An 244 người, Quảng Ninh 10 người, Đồng Tháp 286 người và Tây Ninh 280 người.
Các cơ sở y tế gồm: Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM đã kết thúc tiêm vaccine Covid-19 trong đợt này.
Bộ Y tế khuyến cáo sau khi tiêm vaccine Covid-19 vẫn cần tiếp tục thực hiện đầy đủ thông điệp 5K phòng, chống dịch Covid-19.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho các tỉnh còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vaccine Covid-19 tiếp theo về đến nước ta.
Dự kiến, lô vaccine đầu tiên của COVAX Facility bao gồm khoảng 811.200 liều sẽ được giao đến Việt Nam trong 3 tuần tới. Số lượng vaccine này thấp hơn lượng dự kiến theo thông báo trước đó. COVAX vẫn giữ kế hoạch ban đầu là cung cấp tổng cộng 4,176 triệu liều vaccine cho Việt Nam vào cuối tháng 5.
Bộ Y tế cũng khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam để nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước.
Mục tiêu là tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi dịch bệnh. Hiện có Tập đoàn AMV, VABIOTECH, Vimedimec đang tiếp cận với các đối tác khác từ Mỹ và Ấn Độ.
Ngoài nguồn vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/2. Vaccine Covivac do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3.
Về tình hình dịch bệnh trong nước, sáng 29/3 Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm mới Covid-19. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 44.833 người, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 483 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.412 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 25.938 người.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 30 người, âm tính lần 2 là 38 người và âm tính lần 3 là 57 người. Số ca điều trị khỏi 2.308 ca.
Từ đầu năm đến nay, 13 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc Covid-19 do lây nhiễm cộng đồng, trong đó Hải Dương 726 ca, Quảng Ninh 61 ca, Tp.HCM 36 ca, Hà Nội 35 ca, Gia Lai 27 ca, Bình Dương 6 ca, Bắc Ninh 5 ca, Hải Phòng 4 ca, Điện Biên 3 ca, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang mỗi nơi 2 ca và Hà Giang 1 ca.
Tổng cả nước đến nay có 1.603 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.
10 tỉnh, thành phố gồm: Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Tp.HCM hơn 40 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.