Kết nối tiêu thụ nhãn lồng và nông sản Hưng Yên qua 45 điểm cầu các quốc gia, vùng lãnh thổ
Hội nghị kết nối với 17 điểm cầu tại các tỉnh, thành trên cả nước và 44 điểm cầu tại khu vực quốc gia và vùng lãnh thổ được tổ chức sáng 15/7/2021 tại tỉnh Hưng Yên.
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) quan trọng trong chuỗi các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản năm 2021 do UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và cắt băng xuất hành đưa Nhãn lồng Hưng Yên vào các hệ thống phân phối.
Tham dự Hội nghị tại Hưng Yên còn có Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ: Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi…; Đại diện các doanh nghiệp phân phối, các sàn thương mại điện tử…
Củng cố, phát triển thị trường trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19
Hội nghị XTTM nông sản - Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2020 đã mang lại kết quả rất tích cực cho nông sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn. Trước thời điểm Hội nghị, giá nhãn quả tươi dao động từ 15.000 – 18.000 đồng/kg, long nhãn có giá bán ra từ 120.000 đồng – 125.000 đồng/kg, nhưng sau Hội nghị giá nhãn quả tươi bán ra từ 25 – 30.000 đồng/kg và long nhãn giá bán ra từ 180.000 – 240.000 đồng/kg.
Năm 2021, tình hình thời tiết không thật sự thuận lợi, đại dịch Covid -19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng, trong đó nhóm nông sản chủ lực của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ.
Năm nay, tổng diện tích trồng nhãn của toàn tỉnh lên đến 4.800ha, sản lượng ước đạt từ 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000-45.000 tấn...
Đối với các sản phẩm nông sản khác như, chuối đạt 70.020 tấn (sản lượng chuối VietGAP đạt 900 tấn); cây vải đạt trên 12.000 tấn; nghệ đạt 9.000 tấn củ; trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha trồng hoa, cây cảnh; tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 130.500 tấn… Theo đó, một số giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh được đề ra trong năm 2021 như: Củng cố, phát triển thị trường trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19; Mở rộng thị trường xuất khẩu; Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm; Nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông cũng như giải quyết thủ tục thông quan
Chào mừng tại Hội nghị, Đại diện Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, ông Trần Quốc Văn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh chia sẻ, Hưng Yên - Phố Hiến và nhãn lồng tiến Vua đã có trong tiềm thức của Người Việt từ bao đời, nhưng không chỉ có nhãn lồng, Hưng Yên còn có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đã và đang được người tiêu dùng Việt Nam cũng như một số quốc gia trên thế giới tin dùng như: chuối tiêu hồng; cam và các loại quả có múi; nghệ tươi và tinh bột nghệ; vải lai chín sớm, vải trứng; long nhãn, mật ong hoa nhãn; gà Đông Tảo...
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Hưng Yên - Phố Hiến không còn là thương cảng, là trung tâm kinh tế, giao thương của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, với lợi thế về vị trí địa lý giáp thủ đô Hà Nội, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nằm trong 2 tuyến hành lang kinh tế Trung Quốc - Việt Nam là Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để Hưng Yên kết nối giao thương, mang những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chất lượng cao của tỉnh tới người tiêu dùng các tỉnh trong Vùng cũng như trên cả nước và xuất khẩu tới các thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà
Tại Hội nghị, từ điểm cầu Lạng Sơn, bà Đoàn Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhãn là một trong những mặt hàng hoa quả được ưa chuộng và được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Có năm lượng nhãn xuất khẩu qua địa bàn tỉnh đạt gần 350.000 tấn, trị giá khoảng 280 triệu USD.
Theo bà Đoàn Thu Hà, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, trái cây tươi luôn được tỉnh Lạng Sơn và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông cũng như giải quyết thủ tục thông quan. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Lạng Sơn đã tăng cường hoạt động của đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; tích cực thông tin, khuyến cáo tới các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nguồn hàng xuất khẩu lớn qua địa bàn để nắm bắt về hoạt động của các cửa khẩu, các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh mà tỉnh Lạng Sơn áp dụng đối với người, phương tiện vận tải hàng hóa từ vùng có dịch cũng như những yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm giúp các địa phương, doanh nghiệp chủ động trong quản lý, điều hành.
Khẳng định chất lượng nông sản, trong đó có trái cây tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng, ông Hồ Toả Cẩm - Tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông tin: Việt Nam là quốc gia cung cấp lớn thứ 3 trái cây tươi cho thị trường Trung Quốc. Nhiều loại nông sản của Việt Nam như thanh long, vải, nhãn được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Để nông sản Việt Nam, trong đó có nhãn của Hưng Yên hiện diện nhiều hơn tại thị trường Trung Quốc, ông Hồ Toả Cẩm đề xuất, các đơn vị chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa trong công tác thông quan cho hàng nông sản hai nước; khuyến khích doanh nghiệp uy tín của Trung Quốc đầu tư dự án chế biến nông sản tại các địa phương và Hưng Yên để nâng cao giá trị nông sản.
Khẳng định giao thương trực tuyến, thương mại điện tử là kênh tiêu thụ quan trọng trong bối cảnh Covid-19, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, việc đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử không chỉ nhằm tiêu thụ đặc sản mang tính mùa vụ, mà kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới để người nông dân nói chung và người trồng nhãn Hưng Yên nói riêng có thêm kênh phân phối nông sản bền vững, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Đẩy mạnh tiêu thụ nhãn lồng tại thị trường trong nước và xuất khẩu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, sản lượng thu hoạch nhãn của Hưng Yên năm nay dự kiến đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 đến 20%, trong đó hơn 60% được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đây là một tin vui với bà con nông dân tỉnh Hưng Yên, song cũng đặt ra thách thức cho việc đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Theo Thứ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc kiên trì mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vấn đề về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa. Đồng thời, Bộ Công Thương đã đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế, lấy thị trường trong nước làm nền tảng nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản.
Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các nền tảng số để tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế.
Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ với căn cứ là nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản theo nhu cầu của thị trường.
Thông qua những chương trình kết nối như Hội nghị ngày hôm nay tại Hưng Yên với sự tham gia của đại diện các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng rằng, những chuỗi cung ứng hiện tại sẽ được mở rộng và củng cố, đồng thời sẽ có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành góp phần đưa nông sản của nước ta đi được xa hơn và bền vững hơn.
Đại diện Lãnh đạo Bộ Công Thương đặc biệt gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp, các hệ thống phân phối Việt Nam và tập đoàn phân phối quốc tế, các sàn thương mại điện tử đã hưởng ứng sự phát động của Bộ Công Thương trong việc ưu tiên đẩy mạnh tiêu thụ nhãn lồng tại thị trường trong nước và xuất khẩu qua đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, trực tiếp và trực tuyến.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác hỗ trợ đưa nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên lên sàn TMĐT: Lazada, Postmart, Sendo, Shopee, Voso; ký kết hợp tác tiêu thụ nhãn và nông sản giữa 04 doanh nghiệp phân phối (Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VINCOMMERCE, Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA, Công ty CP đầu tư Kim Hưng, Công ty TNHH Shopee) và 06 Doanh nghiệp, HTX nhà vườn (HTX Chế biến Nông sản Tân Hưng, HTX Tiên Châu Phố Hiến, HTX Nhãn Miền Thiết, HTX Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, HTX Nhãn lồng Quảng Châu, HTX Nông nghiệp và Thuỷ sản Hưng Thịnh xã Quang Hưng).
Hội nghị kết nối cung cầu đã kết thúc tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho việc tiêu thụ trái nhãn và nông sản của Tỉnh Hưng Yên năm 2021.