Lạng Sơn Xây dựng mô hình vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết

Việc Xây dựng mô hình vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết đã giúp tiêu thụ nông sản của bà con Lạng Sơn dễ dàng hơn.

Xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Những năm trước đây, bà con nông một số huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn sản xuất và tiêu thụ nông sản vô cùng khó khăn. Ngoài việc cấy 2 vụ lúa chiêm Xuân và lúa mùa để giải quyết nguồn lương thực và phục vụ tại chỗ cho chăn nuôi trong gia đình, bà con bố trí thêm vụ khoai Đông để có sản phẩm bán ra thị trường sau dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên việc tiêu thụ khoai tây vô cùng khó khăn khi thị trường thiếu tính ổn định, giá cả bấp bênh… đã có rất nhiều năm sản phẩm bị tồn đọng không bán được. Đây chính là bức tranh chung trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, đưa ra 2 mục tiêu.

Một là, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung đủ lớn về quy mô diện tích, sản lượng, phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên và xã hội của tỉnh; khuyến khích phát triển các sản phẩm có tính đặc trưng của từng vùng là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ và quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách lâu dài, bền vững, có hiệu quả.

Hai là tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu đáp ứng tiêu chuẩn, thị trường trong nước và quốc tế.

Nghị quyết 06 yêu cầu chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống trong nông nghiệp sang các mô hình sản xuất quy mô lớn, như: Trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp,... mở rộng các vùng sản xuất tập trung, hình thành một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 06, các cấp chính quyền Lạng Sơn đã xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất rau các loại theo chuỗi giá trị tại thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc; mô hình liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm quả na tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến nhựa thông huyện Đình Lập, Lộc Bình, phát triển các sản phẩm từ cây hồi tại huyện Văn Quan, Bình Gia,....

Thông qua các mô hình liên kết, đã thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu, hàng hóa tập trung, có quy mô lớn, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp “hạt nhân” đảm nhiệm các công đoạn mà hộ sản xuất không làm được hoặc làm không hiệu quả, như: Cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đạt chất lượng cao; thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; xử lý vệ sinh môi trường; hướng dẫn, phổ biến khoa học, kỹ thuật trong sản xuất…

Liên kết chặt với doanh nghiệp phân phối

Bên cạnh xây dựng các mô hình liên kết, Lạng Sơn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong hỗ trợ nông dân kết nối liên kết với các doanh nghiệp chế biến, phân phối. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư TMQT Mặt trời đỏ (Công ty Redsun), Công ty TNHH Ngũ Phúc Lạng Sơn tổ chức ký kết hợp đồng nguyên tắc về cung ứng nông sản giữa các doanh nghiệp, HTX tỉnh Lạng Sơn. Trên cơ sở đó, hai bên ký kết hợp tác cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm như: rau, củ quả, thịt gia cầm; xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Ông Lã Văn Lâm, thôn Kéo Cặp, xã Hòa Cư cho biết: Gia đình tôi đã trồng và phát triển cây hồng Bảo Lâm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây, việc tiêu thụ hồng gặp khó do chưa có đầu ra ổn định. Từ khi có Công ty Transtech Lạng Sơn liên kết thu mua (từ năm 2020), sản phẩm hồng của gia đình có đầu ra ổn định, từ đó, tôi đầu tư mở rộng diện tích trồng, chăm sóc. Đến nay, gia đình có trên 800 cây hồng, trong đó có 600 cây đã cho thu hoạch. Sản lượng hằng năm đạt từ 10 đến 13 tấn, mang lại thu nhập gần 250 triệu đồng/năm.

Một thuận lợi mới mở ra cho Lạng Sơn khi Bộ Công Thương ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viettel Post - Sàn thương mại điện tử Voso, và Sendo xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử, đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ những năm vừa qua và thông qua Cổng thông tin chính thức tuhaoviet.vn. Hàng trăm mặt hàng của các tỉnh, thành phố, trong đó có Lạng Sơn được đưa lên “Gian hàng Việt trực tuyến”.

Để “Gian hàng Việt trực tuyến” phát huy hiệu quả, Lạng Sơn cho thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Đến nay Lạng Sơn đã cài đặt được 741.457 tài khoản thanh toán điện tử, tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử. Hơn 70% số hộ gia đình mở cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử, trên hai sàn thương mại điện tử: voso.vn và postmart.vn.

Cũng nhờ “Gian hàng Việt trực tuyến” mà nhiều loại nông sản như na Chi Lăng, hoa hồi Văn Quan, nhựa thông, sa nhân Đình Lập, khoai lang Lộc Bình, quế  Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn… được người tiêu dùng cả nước biết đến, nên đã có mặt ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn của các tỉnh, thành phố.

Bằng những giải pháp kể trên, hiện Lạng Sơn đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phục vụ xuất khẩu bao gồm: vùng trồng hồi tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Chi Lăng; vùng trồng thạch đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng; vùng trồng ớt tại Chi Lăng, Cao Lộc..., với tổng diện tích hàng trăm nghìn ha.

Đặc biệt, việc xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Tổng thu từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng cao. Đây là tiền đề để tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực khác theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Bình luận của bạn