MTTQ tỉnh Cà Mau thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Cà Mau. Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau chủ động phối hợp thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên lồng ghép, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, giúp người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt.
Nâng cao nhận thức người tiêu dùng hàng Việt
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Cà Mau tổng kết việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện năm 2024 (Ảnh: Mai Thành).
Bà Võ Thị Ngọc Hân - Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau (Thường trực Ban Chỉ đạo) cho biết: “Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động phối hợp thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các chương trình công tác của ngành; hướng dẫn công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, tuyên truyền việc hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động thông qua các buổi tập huấn, Hội thảo, Hội nghị Chuyên đề, họp chi bộ, tổ hội ở khu dân cư; góp phần tạo chuyển biến về ý thức, thói quen sử dụng hàng Việt Nam trong cán bộ, nhân dân, làm cho Cuộc vận động ngày càng đi vào đời sống xã hội, khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường của dân tộc”.
Có thể nói, thời gian qua, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, đã tuyên truyền Cuộc vận động trên Trang Thông tin điện tử, Fanpage của MTTQ và phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện các bài viết, phóng sự tuyên truyền nhằm đưa nội dung, mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động đến với người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức trong Nhân dân và doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất và kinh doanh của tỉnh phát triển, nâng tầm vai trò, uy tín của doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt; động viên các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho Cuộc vận động.
Vận động các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kích cầu tiêu dùng mang tên “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, thực hiện các chương trình ưu đãi, các hình thức khuyến mại nhằm thu hút người tiêu dùng mua sắm; tổ chức treo băng rôn quảng bá, hình ảnh tuyên truyền “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” tại cơ quan, đơn vị và trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Túi xách dây nhựa của cơ sở Mỹ Phượng (xã Trần Thới, huyện Cái Nước) trưng bày sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023. Sản phẩm được bình chọn 1 trong 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Cà Mau và nhiều năm liền được bình chọn sản phẩm sáng tạo của phụ nữ trên cả nước.
Ban Chỉ đạo các cấp đã vận dụng, lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các chương trình, các phong trào và các cuộc vận động khác, nhằm tạo sự đồng bộ và mối liên hệ gắn kết giữa các cuộc vận động một cách phong phú, sinh động, tương trợ thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển... Cuộc vận động ngày càng triển khai đồng bộ, phát triển rộng rãi và đi vào chiều sâu, trở thành một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên.
Tuyên truyền các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, cam kết và thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến mại, giảm giá hàng Việt ngày càng được doanh nghiệp chú trọng, nâng cao về chất lượng, giúp người tiêu dùng có đủ thông tin để đánh giá, so sánh, lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng, nhất là các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng. Ngày càng được người tiêu dùng quan tâm và tin tưởng, sử dụng hàng Việt trong mua sắm, sinh hoạt hằng ngày...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư
Bà Võ Thị Ngọc Hân - Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho biết thêm: “Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động đề xuất củng cố, kiện toàn, triển khai thực hiện Cuộc vận động, từng ngành tích cực phối hợp triển khai chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể góp phần triển khai đồng bộ, sâu rộng để thực hiện Cuộc vận động. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu các sản phẩm hàng Việt ngày được thực hiện chất lượng, hiệu quả nên đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh và đại bộ phận người dân được nâng lên; doanh nghiệp và người dân phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng và các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đổi mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động trên phạm vi toàn tỉnh. Qua đây, góp phần ổn định thị trường và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hợp pháp lưu thông phục vụ Nhân dân”.
Bà Võ Thị Ngọc Hân - Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và các văn bản, chủ trương mới của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương và của Tỉnh.
Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động. Hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nội địa. Tăng cường các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp với các địa phương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tổ chức hội chợ triển lãm thương mại, tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong việc thực hiện như: niêm yết giá, các hành vi buôn lậu, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đầu cơ găm hàng gây rối loạn thị trường và hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh, nhất là hàng hóa tiêu dùng lưu thông trôi nổi, trốn thuế, không rõ nguồn gốc.
Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động với các các hình thức phòng phú, đa dạng, hiệu quả, kịp thời phản ánh, tuyên truyền các mô hình, điển hình thực hiện tốt Cuộc vận động; tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc vận động, ưu tiên mua sắm hàng hóa mang thương hiệu Việt. Tăng cường công tác quảng bá thông tin về sản phẩm của địa phương đã được công nhận, góp phần đưa sản phẩm tiếp cận đến người tiêu dùng. Tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện mô hình “Khu dân cư tự hào dùng hàng Việt Nam” ở các huyện, thành phố...