Nâng cao hiệu quả Điểm bán hàng Việt Nam và lực lượng nữ doanh nhân tỉnh Phú Thọ
Ngày 27/11, tại Phú Thọ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương đi kiểm tra Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại xã Võ Miếu – huyện Thanh Sơn và làm việc với các doanh nhân nữ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điểm bán hàng Việt Nam – “Điểm sáng” Phú Thọ
Được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, nhằm giúp người dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn – tỉnh Phú Thọ được sử dụng hàng Việt Nam chính hãng, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại Cửa hàng thương mại Võ Miếu – xã Võ Miếu - huyện Thanh Sơn. Đây là Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Chọn một Điểm bán hàng ở xa trung tâm tỉnh, lại nằm trên địa bàn một xã miền núi, từng là “điểm nóng” về hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, thời điểm đầu xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam này gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự hỗ trợ mạnh của Sở Công Thương trong việc xây dựng cách thức điểm bán, cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN) trong việc chủ động đầu tư quầy hàng, tuyên truyền về hàng hóa cho người dân khu vực… đến nay, tốc độ tiêu thụ hàng hóa tại cửa hàng tương đối tốt.
Bà Nguyễn Lệ Thủy – Chủ cửa hàng cho biết, hiện nay, cửa hàng có trên 1.200 sản phẩm của 100 DN và nhà phân phối trên cả nước, trong đó có nhiều nhà phân phối lớn như Vinamilk, Kinh Đô, Fami… 100% hàng hóa là hàng Việt Nam. Doanh thu mỗi tháng lên đến 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ chia sẻ, không chỉ là điểm phân phối, bán lẻ hàng hóa, đây còn là điểm trung chuyển hàng hóa đến các xã trong huyện và các địa phương lân cận. Đồng thời là điểm tập kết hàng hóa, nơi để bà con có thể nhận diện đâu là hàng hóa chính hãng, tránh việc mua phải hàng nhái, hàng giả.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã đánh giá cao hiệu quả của Điểm bán hàng Việt Nam tại xã Võ Miếu cùng sự chủ động “vào cuộc” của DN trong việc tham gia xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại xã miền núi này. Bởi với kinh phí hỗ trợ thấp, nếu DN không chủ động tham gia, việc xây dựng điểm bán hàng không thể thành công. "Với tỷ lệ hàng Việt Nam lên đến 100%, hàng hóa chất lượng, đây là một trong những mô hình điểm bán hàng Việt Nam thành công trên cả nước. Doanh thu lên đến 3 tỷ đồng/tháng là minh chứng rõ nhất cho sự lan tỏa của hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng địa phương. Thời gian tới, cần nhân rộng hiệu quả của các điểm bán hàng Việt Nam bằng cách mở thêm nhiều điểm bán hàng trên các huyện" - Thứ trưởng chỉ đạo.
Trong buổi làm việc, Thứ trưởng đã thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương trao 4 Bằng khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại Phú Thọ là: Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Sơn, ông Quách Hải Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, bà Nguyễn Lệ Thủy – Chủ Ccửa hàng thương mại Võ Miếu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nữ
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa – Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã có buổi làm việc với các doanh nhân nữ tỉnh Phú Thọ.
Bà Phạm Thị Tăng - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thành lập một số câu lạc bộ doanh nghiệp nữ. Các câu lạc bộ này đã tổ chức một số hoạt động như các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm; tập huấn kỹ năng kinh doanh, tiêu thụ, thị trường… Tỉnh Phú Thọ đang chuẩn bị thành lập Hiệp hội nữ doanh nhân tỉnh. Đó là lực lượng tiềm năng với số lượng DN nữ tiêu biểu rất đông đảo.
Là một trong những huyện có lực lượng doanh nhân nữ hoạt động tương đối sôi nổi, bà Bùi Thị Mão – Chủ tịch Hội doanh nhân nhỏ và vừa huyện Thanh Ba – tỉnh Phú Thọ cho biết, Hội doanh nhân nhỏ và vừa huyện Thanh Ba được thành lập năm 2012, có 51 thành viên, 5.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%. Các doanh nghiệp trong hội gồm các ngành nghề như xây dựng, vật liệu xây dựng, gỗ dăm, chè… Hội tập trung vào những hoạt động như tập huấn, nâng cao kỹ năng quản lý kinh doanh; chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường; hoạt động nhân đạo từ thiện… Các doanh nghiệp, ngành nghề đều có đóng góp tương đối tốt cho ngân sách.
Để Hội doanh nhân nữ tỉnh Phú Thọ hoạt động hiệu quả sau khi thành lập, bà Phạm Thị Tăng đề xuất, Bộ Công Thương hỗ trợ cho các DN các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng kinh doanh. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin tuyên truyền, định hướng về vấn đề tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ về định hướng thành lập Hội nữ doanh nhân tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Trụ - Phó giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ đề xuất, khi được thành lập, Hội doanh nhân nữ tỉnh Phú Thọ mong sẽ nhận được hỗ trợ của Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam về trang thiết bị văn phòng vì thời điểm mới thành lập, hội sẽ phải đầu tư rất nhiều và gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí.
Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, việc thành lập Hiệp hội nữ doanh nhân sẽ tạo nên một mạng lưới doanh nghiệp đoàn kết, có sức mạnh, hỗ trợ tốt cho sự phát triển của nhau. Sự hỗ trợ này đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - đối tượng chiếm đa số ở các địa phương. Nếu chưa thể thành lập được một hội lớn, có thể thành lập ở quy mô nhỏ hơn như câu lạc bộ để cùng tham gia và thụ hưởng những lợi ích lớn từ Hiệp hội.