Nâng cao năng lực và kỹ năng phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng số cho doanh nghiệp Hà Nội - Thúc đẩy môi trường thương mại điện tử minh bạch, hiệu quả

Ngày 14 tháng 10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (IDEA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức Hội nghị “Tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng số” và hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thương mại điện tử" nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Chương trình “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, là hoạt động quan trọng góp phần hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia lần đầu tiên 10/10/2022 theo Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tiếp nối sự thành công của Hội nghị đầu tiên về “Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua Thương mại điện tử xuyên biên giới”, Hội nghị thứ hai với chủ đề “Tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng số” và “Tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thương mại điện tử" tập trung cung cấp nội dung về các quy định và chính sách, các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực kết nối thương mại thương mại điện tử, tiếp cận quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách bài bản, đúng quy định, chính sách cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội; Đại diện các đơn vị thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; Đại diện các Sở, ban ngành của Hà Nội; Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội; các chuyên gia cao cấp từ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý hoạt động thương mại điện tử, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trực tuyến, quy định và chính sách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử ... cùng đối tác lớn thuộc các lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử, tài chính số, cung cấp giải pháp công nghệ số … Đại diện các Hiệp hội ngành hàng, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương cùng đại diện trên 100 doanh nghiệp, chủ thể sản xuất OCOP tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tham dự Hội nghị

Việc nâng cao kỹ năng, nhận thức cho các doanh nghiệp, chủ thể OCOP tại các địa phương; hoàn thiện các cơ chế chính sách, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động thương mại điện tử được xem là nhiệm vụ quan trọng và luôn song hành với nhau. Bởi đây được xem là yếu tố không thể thiếu khi mua bán trực tuyến đang thực sự bùng nổ ở kỷ nguyên công nghệ 4.0 với đa dạng các loại mô hình kinh doanh số, tài chính số ... 

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, 

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

 

Liên quan tới các chính sách phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, với mục tiêu xây dựng một môi trường thương mại điện tử lành mạnh, minh bạch và phát triển hiệu quả, thời gian qua Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, một mặt quản lý chặt chẽ, minh bạch, mặt khác vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển. Tại Hội nghị, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ cụ thể về sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam cùng với những chính sách, nghị định được Chính phủ thông qua về thương mại điện tử cũng như mục tiêu trong Chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. 

 

Theo đó, “doanh nghiệp khi bắt đầu triển khai ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh cần nắm chắc những quy định bổ sung trong Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử bổ sung như: Những thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa;  Tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong việc quản lý các giao dịch trên nền tảng của mình và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần lưu ý hơn về Hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và Hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử” - bà Lê Thị Hà cho biết.

 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia về thương mại điện tử, 

Đại diện Sàn TMĐT Lazada

 

Bám sát những mục tiêu phát triển Thương mại điện tử quốc gia về ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương, thông qua Hội nghị, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki và Lazada đã tập trung vào các nội dung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng tổ chức, phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam.

 

“Kỹ năng phân phối trên môi trường thương mại truyền thống khác nhiều so với kinh doanh trên mô trường trực tuyến, trên thương mại điện tử. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP cần có sự tìm hiểu và nghiên cứu sâu sắc đối với các mô hình bán hàng trên thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng ta cũng nên gắn kết các kênh phân phối với nhau, có sự tương tác và hỗ trợ cho nhau từ các hoạt động Offline, bán hàng Offside và các sự kiện Online, bán hàng online… theo mô hình Omni channel” Ông Thành chuyên gia giàu kinh nghiệm của Lazada chia sẻ tại Hội nghị.

Ông Trần Văn Tiến, Chuyên gia cao cấp quản lý ngành hàng, 

Đại điện Sàn TMĐT Tiki

Cũng là một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, Sàn thương mại điện tử Tiki đang phát triển Tiki Ngon thành nền tảng bán hàng với các sản phẩm thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, hàng siêu thị trên sàn thương mại điện tử Tiki có thể nói là rất phù hợp với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương. Mô hình vận hành của Tiki Ngon đã được chuyên gia của Sàn thương mại điện tử Tiki trình bày sâu tại Hội nghị lần này. Hiện tại đã có nhiều nhà cung cấp các sản phẩm rau sạch, sản phẩm organic, sản phẩm thực phẩm tiêu dùng … trên nền tảng Tiki Ngon. Bên cạnh đó các đối tác hợp tác lớn trong lĩnh vực siêu thị như Lotte Mart, Co.op Mart, 7-Eleven, Fuji-Mart, Sói Biển … hiện đang cung cấp hàng hóa trên nền tảng Tiki Ngon. 

Với những chính sách ưu đãi và các chương trình hỗ trợ sale lớn, Tiki Ngon là một trong những giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thực phẩm, nông sản có chất lượng cao cửa Hà Nội để tiêu thụ hàng hoá theo mô hình thương mại điện tử.


 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã chia sẻ nhiều về thực trạng thị trường thương mại điện tử hiện nay “Khi các giá trị giao dịch trực tuyến cũng như số lượng giao dịch ngày càng gia tăng thì phát sinh cũng đi kèm. Những vấn đề hàng giả, hàng nhái cũng như những vấn đề lừa đảo trên môi trường trực tuyến xảy ra do đặc thù của thương mại điện tử là người mua, người bán không gặp nhau nên những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là có những hành vi mới, những thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn.” 

 

Các nhóm hành vi vi phạm phổ biến như quảng cáo, khuyến mại không chuẩn với hàng hoá, cạnh tranh không lành mạnh…, một số vấn đề của thị trường hiện nay vẫn là còn tồn tại hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số. Chính vì vậy chúng ta phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát và xử lý những vi phạm này” theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Tuấn. 

 

Với thực trạng nêu trên, để hạn chế tình trạng hàng nhái, hàng giả xảy ra trên thị trường trực tuyến, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các giải pháp phát triển các sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử, tại Hội nghị, ông Trịnh Duy Phúc - Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giới thiệu giải pháp Truy xuất thông tin xác minh sản phẩm chính hãng, giúp người tiêu dùng xác định nguồn gốc hàng hóa từ nhà sản xuất, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và sản phẩm của doanh nghiệp khi tham gia giao dịch thương mại điện tử là hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode. Hiện nay, hệ thống đang được Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số,  Bộ Công Thương vận hành tại địa chỉ https://truyxuat.gov.vn/.

 

 

Ông Trịnh Duy Phúc, đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và KTS

Ông Trịnh Duy Phúc, đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết “Hệ thống xác thực hàng chính hãng sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp với hệ thống phần mềm QRCode tĩnh và QRCode động sẽ cung cấp: khả năng truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm cho người tiêu dùng; giúp người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm; góp phần giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xác mình thông tin hàng chính hãng và bảo vệ uy tín sản phẩm của doanh nghiệp, tạo sự tin cậy từ phía người dùng khi biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà mình đã mua. Ngoài ra, qua hệ thống truy xuất này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối với nhau về các thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp…” 

 

“Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội khi đăng ký hệ thống xác thực chính hãng http://truyxuat.gov.vn/ sẽ được được hỗ trợ miễn phí 6 tháng sử dụng dịch vụ Hoá đơn điện tử của Bộ Công Thương" - ông Trịnh Duy Phúc thông tin thêm.

 


 

Bà Bùi Thu Trang, Phó Trưởng phòng Ban Chính sách sản phẩm Bán buôn,

Ngân hàng BIDV 

Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu về giải pháp tài chính số trong kinh doanh thương mại điện tử, bà Bùi Thu Trang - Phó Trưởng phòng Ban Chính sách sản phẩm Bán buôn – BIDV chia sẻ “Đối với phân khúc khách hàng SME nói chung và khách hàng bắt đầu tiếp cận thương mại điện tử nói riêng, ngân hàng BIDV sẽ áp dụng những chính sách ưu đãi riêng và xây dựng các cơ chế phù hợp giữa doanh nghiệp cung cấp với các đối tác phân phối lớn như chuỗi các siêu thị, cửa hàng, …để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp số hóa hoạt động kinh doanh của mình”.

 

Doanh nghiệp tham gia thảo luận, giải đáp thắc mắc cùng các chuyên gia, diễn giả

Cũng tại Hội nghị, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động tham gia thảo luận với các chuyên gia, diễn giả của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các đối tác giải pháp về thương mại điện tử, ngân hàng, truy xuất thông tin sản phẩm … Qua đó, nhiều doanh nghiệp, chủ thể OCOP sản phẩm tiêu biểu đã được giải đáp những vướng mắc về nội dung chính sách, quy định trong kinh doanh thương mại điện tử; quy định về sản phẩm, chuẩn hoá bao bì đóng gói, quy trình lên sàn hay những hạn chế về tài chính, những khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển ứng dụng thương mại điện tử, nhất là phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Một số hình ảnh khác tại Hội nghị:

 

 

 



 

Bình luận của bạn