Ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả: Cần giải pháp toàn diện, quyết liệt

Với sự tiện lợi và nhanh chóng, hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đã trở thành một kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, Internet và thương mại điện tử cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng thương mại điện tử, như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm… không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử, hoặc giả mạo logo đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương…

Hiện nay, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử đã trở nên khó khăn hơn, bởi thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi? Xin bà phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Trước hết, do phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng.

Chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát.

Còn nhiều khó khăn nữa, đó là các đối tượng đưa thông tin lên mạng thì hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện.

Tôi xin nói thêm rằng nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.

Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới, năng lực của cán bộ thực thi công vụ còn yếu.

Trong khi đó, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử như công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng vẫn còn hạn chế.

Thậm chí, sự phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu với các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. Đơn cử như quy định của pháp luật để xử lý vi phạm đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả cần có đơn yêu cầu của chủ thể quyền, trong đó chỉ rõ cách nhận biết hàng giả, đối tượng vi phạm. Còn các chủ sở hữu không muốn công khai cách nhận biết hàng thật - hàng giả do lo ngại các đối tượng lợi dụng làm hàng giả.

Mặt khác, trong quá trình yêu cầu các đơn vị là các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát website về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... còn gặp một số khó khăn. Do các sàn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm.

Các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn. Đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát.

Đáng quan ngại, còn có một số hiện tượng người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream, khó xác định kho bãi, nguồn gốc hàng hóa, làm cho công tác thực thi pháp luật, kiểm tra hết sức khó khăn.

Theo bà, với các văn bản pháp luật hiện có đã đủ chặt chẽ và theo kịp sự phát triển nhanh chóng của hoạt động kinh doanh trên các nền thương mại điện tử chưa?

Tôi cho rằng hiện nay cơ bản khung pháp lý cho thương mại điện tử đã tương đối đầy đủ, hỗ trợ tốt cho công tác quản lý cũng như đấu tranh chống hàng giả trong thương mại điện tử và góp phần minh bạch thị trường thương mại điện tử.

Các văn bản đã ban hành như: Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trong đó đã bổ sung một số các quy định mới về thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam...

Điều này giúp công tác chống hàng giả có căn cứ và hiệu quả, minh bạch. Hoặc Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử quy định trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Như vậy, theo bà, ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng (quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) thì cần những giải pháp căn cơ nào để triệt tận gốc và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng tràn lan trên các chợ online hiện nay?

Thương mại điện tử chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hoặc nhập lậu theo đường tiểu ngạch…

Để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, không chỉ riêng Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.

Hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và trình Chính phủ trong năm 2022 với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (lực lượng biên phòng), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính (hải quan, thuế)... trong đó hướng đến các giải pháp tổng thể, toàn diện.

 

Vậy trách nhiệm của chủ sàn, nhà phân phối như thế nào, thưa bà?

Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử (chủ sàn) được quy định cụ thể tại Điều 36 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 47/2014/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành ngày 5/12/2014.

Tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử cũng đã bổ sung thêm nhiều trách nhiệm của chủ sàn.

Cụ thể, đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm: chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý Nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia.

Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán. Đồng thời, liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 36 mà gây thiệt hại.

Bình luận của bạn