Người tiêu dùng trong nước dần thay đổi nhận thức, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Việt chất lượng cao

Nhiều năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành trong cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền, đưa hàng Việt về khu vực công nhân, khu công nghiệp, chương trình bán hàng bình ổn đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Hàng Việt chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội địa

Theo thống kê, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt Nam được trưng bày tại hệ thống quầy, kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và chiếm tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập, trong đó, thực phẩm chiếm đa số. Đơn cử tại chuỗi siêu thị GO!/Big C, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%, với khoảng 45.000 mã hàng hóa các loại.

Tại chuỗi siêu thị WinMart, WinMart+, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80% đến 90% số lượng, chủng loại hàng hóa. Trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%.

hang-viet-1-6164-8364.jpg

Khách hàng lựa chọn sản phẩm trái cây Việt tại siêu thị. Ảnh: T.L

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý và quyết định lựa chọn của doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm.Theo đánh giá từ doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng đã kỹ tính hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài kiểu dáng, độ bền, còn đặc biệt quan tâm đến sự an toàn đối với sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lan rộng.

Giám đốc Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON Hà Đông Nguyễn Thị Hải Thanh đánh giá, nhà cung cấp hàng Việt thay đổi mẫu mã các sản phẩm thường xuyên, thực hiện các chương trình khuyến mại hằng tuần, hằng tháng. Bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm hàng Việt tốt, một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao so với hàng nước ngoài.

Không chỉ nông sản, thực phẩm, sản phẩm gia dụng, đồ dùng học tập của doanh nghiệp trong nước nhiều năm trở lại đây cũng chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội địa. Khảo sát tại các nhà sách như Fahasa, Nhã Nam, Tiền Phong, Trí Đức, Tiến Thọ... cho thấy, các mặt hàng đồ dùng học tập phong phú, đa dạng về mẫu mã; đồ dùng học tập "made in Việt Nam" hiện chiếm đến 80% lượng hàng hóa.

Doanh nghiệp Việt cần tập trung xây dựng thương hiệu

Việc đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại nhiều địa phương luôn được chú trọng, với cách làm sáng tạo, hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cả nước.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, doanh nghiệp Việt cần tập trung xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chiến lược người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đi sâu vào chất lượng sản phẩm, tập trung công nghệ mới, nâng cấp các dịch vụ để phục vụ khách hàng nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tối ưu hoá sản xuất để giảm giá thành. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai 15 năm qua đã giúp cho hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình…

hang-viet-2137-5842.jpg

Người dân mua sắm hàng hóa tại Tuần hàng Việt. Ảnh: B.P

Song song với đó, cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử…Đây là cách để hàng Việt không chỉ có chỗ đứng ngày càng vững chắc tại thị trường trong nước mà còn vào kênh phân phối của nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, để nâng cao vị thế của hàng Việt cần phải xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn;

Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả. Đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa tạo cơ hội cho hàng Việt đến với người tiêu dùng nhiều hơn; Tiếp tục nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan bởiPhương thức tiêu dùng thay đổi buộc hệ thống bán lẻ cũng phải thay đổi mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Tại Hà Nội, nhằm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, Sở Công Thương TP. Hà Nội tiếp tục triển khai các nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng tổng mức bán lẻ, đặc biệt là đẩy mạnh các sự kiện quảng bá hàng Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với các hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại, bảo đảm người tiêu dùng Thủ đô có thể tiếp cận các đặc sản vùng miền một cách dễ dàng, an toàn nhất.

Từ đó, góp phần nâng cao uy tín, nhận diện thương hiệu ngày càng cao trong mắt người tiêu dùng. Đây còn là giải pháp hiệu quả nhằm kích cầu, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt.

 

Bình luận của bạn