Nhiều biện pháp mở rộng "sân chơi" cho hàng hóa Việt Nam
Giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh về ý kiến của các Đại biểu liên quan đến công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xử lý 12 dự án thua lỗ cũng như những dự có khả năng thua lỗ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XIV diễn ra sáng nay (1/11).
Bộ trưởng Bộ Công thương Tuấn Anh.
Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, có 4 nội dung cần làm rõ.
Thứ nhất, về công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì, mặc dù, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng cần khách quan đánh giá là công tác này thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Về phía Bộ, theo thống kê của lực lượng quản lý thị trường cả nước năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 104 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 550 tỷ đồng, tịch thu lượng hàng hóa vi phạm với giá trị gần 400 tỷ đồng. 9 tháng năm 2017, kiểm tra trên 131.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 73.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 415 tỷ đồng.
Với nhiệm vụ được giao theo phân công của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là "Phối hợp với các cơ quan chức năng các cấp thực thi công tác quản lý thị trường trong thị trường nội địa, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước", Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai nhiều phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, tăng cường phối hợp với lực lượng Công an rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Bước đầu góp phần ngăn chặn, làm giảm đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, đã ngăn chặn một số điểm nóng chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc lá trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Riêng 9 tháng năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 6.567 lượt, phát hiện xử lý 3.630 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 16 tỷ đồng; Tịch thu thu giữ 1.448.209 bao thuốc lá các loại, chuyển cho cơ quan điều tra 40 vụ, thu giữ 17 xe ô tô, 321 xe máy, 13 phương tiện khác.
Mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Bộ đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BCT ngày 01 tháng 3 năm 2017 thực hiện Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017. Đồng thời với việc kiểm tra và xử lý vi phạm, thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật của các doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón và người tiêu dùng chống phân bón giả, kém chất lượng. 9 tháng năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 2.537 vụ (bằng 187% so với cùng kỳ năm trước), xử lý 1.091 vụ (bằng 273% so với cùng kỳ năm trước), tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng. Tịch thu, tiêu huỷ tang vật trị giá gần 208 triệu đồng, 2.241 kg, 7.128 bao, 40 chai và 161 gói phân bón các loại; tịch thu, tiêu huỷ 48.236 kg thuốc bảo vệ thực vật (bằng 126,8 % so với cùng kỳ năm trước).
Ngoài ra, Bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyềnm, theo đó, từ năm 2014 đến năm 2016, triển khai 10.369 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên 51.640 lượt/đợt cho cá tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát, phát tờ rơi, sổ tay, văn bản hướng dẫn pháp luật...; tổ chức ký cam kết đến 443.810 đối tượng kinh doanh. Ngoài công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoạt động kiểm tra việc chấp hành các nội dung ký cam kết được lực lượng Quản lý thị trường đặc biệt quan tâm; đã tiến hành kiểm tra 51.581 cơ sở đã ký cam kết và phát hiện 17.864 cơ sở đã ký cam kết nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.
Đặc biệt, công tác giáo dục gắn với kiểm tra, xử lý cán bộ trong lực lượng quản lý thị trường nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ. “Để xử lý một cách căn bản tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả chắc chắn cần tiếp tục thực hiện với nhiều nỗ lực và sự quyết tâm cao, cùng với đó là các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của xã hội. Mặc dù trong điều kiện chúng ta còn nhiều khó khăn cả về lực lượng và phương tiện, nhưng với những kết quả nền tảng quan trọng chúng ta đã đạt được trong thời gian qua và sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục, đồng bộ của Chính phủ, chúng tôi tin tưởng rằng tình trạng này sẽ từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi một cách căn bản hơn trong thời gian tới đây, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như bảo vệ tốt hơn lợi ích của người tiêu dùng trong nước” Bộ trưởng Tuấn Anh nhìn nhận.
Thứ hai, Bộ Trưởng Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam đã có bước thành công ban đầu khi thu hút được các nhà đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực vào đầu tư và xây dựng tổ hợp sản xuất qui mô lớn tại Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển lĩnh vực sản xuất chủ yếu của nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, rõ ràng là rất cần có bước chủ động tiếp theo để phát huy được lợi thế này. Phải tận dụng cơ hội này để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất cũng như hậu cần xung quanh các trụ cột này.
Ở đây có vai trò của Chính phủ, trực tiếp nhất là Bộ Công Thương trong việc tạo ra cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để kích thích quá trình này, thúc đẩy tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhanh chóng vào các chuỗi giá trị này. Đơn cử trong lĩnh vực điện tử, hiện nay, mới có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử cho Samsung tại Việt Nam và đều là các doanh nghiệp FDI mà chưa có doanh nghiệp nội địa nào. Bên cạnh đó, trong nước mới có khoảng 25 doanh nghiệp nội địa là nhà cung ứng linh kiện cấp 1 cho Samsung.
Để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào hệ thống cung ứng của Samsung, Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng chương trình Chương trình đào tạo về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tiềm năng cho Samsung. Cụ thể, Samsung dự kiến đào tạo cho khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020 về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý sản xuất, quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới, với tổng kinh phí đào tạo khoảng 800.000 USD. Các doanh nghiệp tham gia đào tạo sau đó sẽ có thể được đánh giá để trở thành các nhà cung cấp linh kiện (cấp 2 hoặc cấp 1) tiềm năng cho Samsung điện tử Việt Nam.
Với các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ cũng đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình phối hợp tương tự để từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối thị trường và trở thành các nhà cung cấp linh kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành sản xuất công nghiệp lớn trên thế giới mà Việt Nam có điều kiện và lợi thế tham gia.
Thứ ba, về công tác phát triển thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nói chụng và nông sản nói riêng trên cơ sở tận dụng các ưu đãi có được từ các cam kết đàm phán trong các FTA mà Việt Nam tham gia. Bộ trưởng Tuấn Anh chia sẻ, trong những năm qua, các Bộ, ngành nói chung cũng như Bộ Công Thương nói riêng - với vai trò là Thường trực Đoàn Đàm phán của Chính phủ - đã nỗ lực, kiên trì thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng "sân chơi" cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông lâm thủy sản, và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến nay Việt Nam đã ký và đưa vào thực hiện tổng số 10 FTA, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Các FTAs đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu hàng hóa của ta nói chung và đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản nói riêng, trong đó nhiều thị trường có FTAs đã được khai thác tốt, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tích cực so với trước khi có FTAs. Cụ thể, xét trong giai đoạn 2010 - 2016, sau khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực vào năm 2010, với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu hạt điều sang Úc tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm; hay hạt tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng đạt 12,8%/năm, cà phê đạt 8,0%/năm sau khi Hiệp định VJFTA có hiệu lực năm 2010; hay hạt tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm, thủy sản đạt 12,3% năm sau khi Hiệp định AIFTA có hiệu lực năm 2010; hay hạt điều xuất khẩu sang Liên bang Nga trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng 52,8%, chè tăng 9,5% so với cùng kỳ sau khi Hiệp định Việt Nam - EAEU có hiệu lực tháng 10 năm 2016...
Qua tổng hợp đánh giá chung của Bộ cho thấy, tất cả các thị trường có FTA của ta đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhóm các thị trường tăng trưởng mạnh là Chi Lê (tăng gấp 3,7 lần sau 3 năm, tốc độ tăng bình quân 54,2%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 6,4 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 30,4%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 13,5 lần sau 10 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,8%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 7,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 18,4%/năm). Nhóm các thị trường có mức tăng thấp hơn là ASEAN - tính từ khi có ATIGA (tăng gấp 2 lần sau 7 năm, tốc độ tăng 10,7%/năm), Nhật Bản (tăng gấp 1,7 lần sau 8 năm, tốc độ tăng 7,1%/năm), Úc (tăng gấp 1,3 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 3,3%/năm). Số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp của ta đã tận dụng được cơ hội do các FTA đem lại.
Trong công tác đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, Bộ đã và đang phối hợp tích cực với Bộ NN&PTNT chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các rào cản kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản bất hợp lýtrong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO). Mặc dù quá trình đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại đối với từng mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (thường từ 5 - 7 năm/mặt hàng), tuy nhiên tính đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc mở cửa thị trường, tạo thêm “sân chơi” cho các mặt hàng nông thủy sản.
Cụ thể, ta đã kiện và đã thắng kiện Hoa Kỳ tại WTO trong vụ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam; đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường mới cho một số trái cây của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải vào Hoa Kỳ; vải, xoài vào Úc; xoài, thanh long vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu-di-lân; các loại trái cây tươi vào ASEAN, EU, Trung Đông, Đông Âu, Ca-na-đa… Hiện nay, hai Bộ vẫn đang tích cực tiếp tục đàm phán hỗ trợ mở cửa thị trường cho tôm tươi nguyên con vào Úc; thịt lợn vào Trung Quốc, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; trứng gia cầm muối vào Hồng Kông, Xinh-ga-po; xoài, vú sữa vào Hoa Kỳ; măng cụt, bưởi, na vào Trung Quốc; nhãn, vải, chôm chôm vào Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu-di-lân, Bờ-ra-xin, Ác-hen-ti-na...
Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng quay trở lại, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức chủ động, linh hoạt để ta có thể ứng phó và tranh thủ cơ hội để bảo đảm lợi ích cho đất nước trong tình hình mới. Một loạt các vấn đề về TPP, về Hiệp định EVFTA và đàm phán FTA song phương với một số đối tác khác đã và đang được chúng ta nghiên cứu, triển khai rất chủ động. Ngay tới đây, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng cũng sẽ là cơ hội để chúng ta thể hiện vai trò và vị trí ngày càng cao trong quá trình hợp tác và hội nhập này.
Thứ tư, về vấn đề thực hiện Chương trình điện nông thôn thì, đến thời điểm cuối 2016, số hộ dân nông thôn trong cả nước được sử dụng điện đã đạt tỷ lệ trên 98%. Số hộ dân còn lại chưa được sử dụng điện gần 2%, chủ yếu định cư ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới và hải đảo, những vùng khó khăn nhất của Tổ quốc. Các hộ dân nông thôn chưa được cấp điện hiện nay chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã, thôn, bản nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ về vốn đầu tư và quản lý vận hành phù hợp mới có thể thực hiện được việc đầu tư cấp điện cho khu vực đồng bào dân tộc đang sinh sống ở những vùng sau, vùng xa, biên giới và hải đảo và đảm bảo tính bền vững, ổn định của Chương trình Điện nông thôn.
Để thực hiện được mục tiêu cấp điện nông thôn Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Báo cáo nghiên cứu kỹ thuật đầu tư Chương trình Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020,với những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt về vốn mới có thể huy động được các nguồn lực xã hội cùng với sự hỗ trợ về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện việc cấp điện cho các xã, thôn, buôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Trong khuôn khổ nguồn tài trợ không hoàn lại của giai đoạn 1 (2016 - 2018), EU sẽ bổ sung vào ngân sách Trung ương để đầu tư cho các dự án cấp điện nông thôn thuộc Chương trình khoảng 108 triệu Euro (tương đương 122 triệu USD), trong đó có 100 triệu Euro bổ sung trực tiếp cho NSTW để đầu tư các dự án cấp điện nông thôn khoảng 99 triệu Euro (tương đương 2.525 tỷ đồng) và 1 triệu Euro để hỗ trợ cho công tác quản lý và thực hiện các điều kiện giải ngân; EU hỗ trợ bổ sung 8 triệu Euro hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động về chính sách của ngành Năng lượng Việt Nam. Trong giai đoạn 2, EU có thể xem xét tài trợ trên 100 triệu Euro trong số 246 triệu Euro còn lại của Chương trình hỗ trợ đa niên của EU cho Việt Nam để thực hiện đầu tư cho Chương trình Cấp điện nông thôn trong giai đoạn 2018 - 2020.
“Như vậy, với dự kiến cân đối ngân sách Trung ương trung hạn 2016 - 2020 cho Chương trình khoảng 2.218 tỷ đồng, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng các nguồn tài trợ ưu đãi của ADB và tài trợ không hoàn lại của EU nói trên cho Chương trình, thì về cơ bản nhu cầu vốn NSTW hỗ trợ để triển khai toàn bộ các dự án thành phần trong Chương trình sẽ được thu xếp đủ. Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo để triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra” Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết.