Những người đưa ẩm thực Việt đến Ba Lam 30 năm trước

nhung-nguoi-dua-m-thuc-viet-den-ba-lan-30-nam-truoc

Nhà hàng Việt Nam mang tên Bốn mùa ở Warsaw. 

Nhà hàng Bông Sen do một nhóm cựu lưu học sinh Việt Nam, thuộc Hội Xã hội và Văn hóa Việt Nam tại Ba Lan, mở ra tại phố Poznańska 12, Warsaw, vào cuối năm 1987. Đây chính là nhà hàng đầu tiên do người Việt thành lập tại xứ sở bạch dương này. 

Từ một nhà hàng do nhóm đầu bếp không chuyên đứng đầu, ẩm thực Việt đã vượt qua nhiều thịnh suy để phát triển và vang danh khắp Ba Lan suốt 30 năm qua. Tên các món ăn Việt Nam theo tiếng Ba Lan như Saigonki, Kurczak po wietnamsku,..., chủ yếu do nhóm này đặt ra và vẫn được lưu hành rộng rãi cho đến nay.

"Lúc đầu chúng tôi rất lo lắng, vì mọi thứ đều phải tự mày mò. Nếu thực khách không ủng hộ thì gay go! Ngày khai trương, đúng giờ, chúng tôi hồi hộp mở cửa, nhìn ra đã thấy người Ba Lan xếp hàng dài gần 50 m trước cửa và mỗi lúc một đông hơn. Anh em chúng tôi nhìn nhau, ai cũng rưng rưng", ông Ngô Văn Vị, một trong những người sáng lập của nhà hàng, bồi hồi nhớ lại. "Nhà hàng Bông Sen nhanh chóng nổi tiếng và đắt khách suốt nhiều năm liền. Giờ nghĩ lại vẫn còn cảm thấy nôn nao niềm hạnh phúc".

nhung-nguoi-dua-m-thuc-viet-den-ba-lan-30-nam-truoc-1

Món nem rán Saigonki nổi tiếng của các nhà hàng Việt ở Ba Lan. 

Đầu năm 1990, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa ngành Mỏ và Than của Ba Lan với Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vân, đầu bếp bậc 7/7 tại Khách sạn Thắng Lợi, Hà Nội, nơi mà phái đoàn Mỏ và Than Ba Lan thường lưu trú mỗi lần sang Việt Nam công tác, được cử sang nước bạn để làm nhiệm vụ giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, do chính biến của xã hội Ba Lan cuối năm 1990 nên chương trình này không thể thực hiện được. Ông Nguyễn Quang Vân đã chuyển ra làm việc ở Nhà hàng Bông Sen cùng nhóm ông Trương Anh Tuấn, ông Ngô Văn Vị...

Với chuyên môn bài bản của mình, ông Nguyễn Quang Vân đã bổ sung và hoàn thiện các món ăn mang đặc trưng Việt Nam cho Nhà hàng Bông Sen, rồi bắt đầu quá trình truyền bá ẩm thực Việt rộng rãi tại Ba Lan.

Trong bối cảnh xã hội Ba Lan đang ở buổi bình minh của chế độ mới, hệ thống quản lý dịch vụ theo nền kinh tế kế hoạch bị dỡ bỏ nhưng hệ thống quản trị theo kinh tế thị trường mới sơ khai còn rất nhiều lỗ hổng và bất cập, Hội văn hóa và xã hội Việt Nam tại Ba Lan đã đứng tư cách pháp nhân để mở ra một số nhà hàng ở Warsaw, Gdansk, Krakow, Szczecin,… cho những người Việt Nam. Ông Vân được cử đi các nơi mới để đào tạo đầu bếp và hướng dẫn vận hành các nhà hàng Việt thời gian đầu, vào những năm 1990 -1992. Sau đó, ông trở lại Nhà hàng Bông Sen và tiếp tục đào tạo ra nhiều đầu bếp người Việt khác.

nhung-nguoi-dua-m-thuc-viet-den-ba-lan-30-nam-truoc-2

Đầu bếp Nguyễn Quang Vân. 

Năm 1995, nhóm ông Vị và ông Vân đã phối hợp với Đài truyền hình Ba Lan để làm phóng sự về "Mâm cỗ của người Việt Nam ngày Tết". Phóng sự đã được chiếu trên kênh TVP-2 liên tiếp từ năm 1995 đến 2004, trở thành một kênh truyền bá ẩm thực Việt Nam rất hiệu quả tới người dân Ba Lan.

Cũng trong thời kỳ 1996 - 2003, các nhà hàng Việt Nam phát triển rộ khắp Ba Lan, có lúc tới trên một nghìn nhà hàng, tập trung ở các thành phố có đông người Việt sinh sống như Warsaw, Gdansk , Krakow, Szczecin, Wroclaw… Những nhà hàng và thương hiệu khác nổi lên trong giai đoạn này ở Ba Lan còn có Nhà hàng Đông Nam, Năm Sài Gòn, Phở Hiên, Phở Lý Quang, Nhà hàng Quê Hương, Nhà hàng Mekong, … Năm 1997, ông Nguyễn Quang Vân tách riêng, mở Nhà hàng Vân Bỉnh ở Grójecka rồi dần hình thành nên một chuỗi nhà hàng tại Warsaw.

Năm 2003, một số nhà hàng Việt bị phát hiện bán thịt chó, mèo, hệ thống các nhà hàng Việt Nam tại Ba Lan bị tẩy chay. Hầu hết các nhà hàng Việt bị phá sản. Nhà hàng Bông Sen cũng phải đóng cửa.

Sau đó, các nhà hàng Việt Nam thay đổi theo hướng tổ hợp ẩm thực Á châu như Nhà hàng Phương Đông, Nhà hàng Châu Á, Nhà hàng Trung Quốc... Một số người Việt chuyển hẳn sang mở các nhà hàng phục vụ các món ăn Tây, nhất là trong các siêu thị. Dù vậy, nhiều nhà hàng Việt vẫn được duy trì và vượt qua sóng gió.

nhung-nguoi-dua-m-thuc-viet-den-ba-lan-30-nam-truoc-3

Món bún chả cá nướng và món phở Hà Nội. 

Hiện ước tính có khoảng 500 nhà hàng Việt trên khắp Ba Lan, trong đó nhiều chuỗi nhà hàng được xây dựng với quy mô chuyên nghiệp, khẳng định được thương hiệu. Các món ăn cũng được điều chỉnh để phù hợp với định hướng tổ hợp ẩm thực châu Á, nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu dồi dào hơn. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lựa chọn nếu thực khách đến Ba Lan muốn thưởng thức những món ăn theo đúng phong cách và hương vị thuần Việt, từ bình dân như cơm rang, phở, bún, nem cuốn... đến cao cấp như tôm hùm, bò nướng. 

Bà Natalia, một người Ba Lan, cho biết bà thường xuyên rủ bạn bè và người thân tới nhà hàng Hà Nội 1, vùng Wroclaw, bởi yêu những món ăn Việt thơm ngon, có hương vị đặc trưng, đậm đà, được bày trí màu sắc mà giá thành phải chăng. Bà trở thành khách ruột từ khi Hà Nội 1 mới mở và nay đã phát triển tới 19 nhà hàng ở Ba Lan. 

Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng của các nhà hàng Việt hiện nay tại Ba Lan là một dấu hiệu rõ nét về sự hội nhập sâu rộng của người Việt trên đất khách. Trong sự lớn mạnh đó có công lớn từ những người tiên phong như ông Trương Anh Tuấn, Ngô Văn Vị..., nhất là ông Nguyễn Quang Vân và các cộng sự trong suốt quá trình truyền bá ẩm thực Việt ở xứ sở bạch dương này.

 
Bình luận của bạn