Nông sản tỉnh Hưng Yên – Cần thêm hướng đi mới
Cuối tháng 10 năm 2021, tại Trung tâm Xúc tiến Nông nghiệp Hà Nội, Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm Cây có múi và sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên năm 2021 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức được diễn ra theo phương thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham gia Hội nghị có Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên, Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ, đại diện Sàn thương mại điện tử cùng các Sở ban ngành địa phương tại 09 điểm cầu Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Thái Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh nhằm tăng cường hoạt động thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên đặc biệt là các sản phẩm cây có múi niên vụ 2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, các phương án đồng hành hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản trên cả nước qua kênh thương mại điện tử đã cho thấy những hiệu quả đáng mừng. Trên cơ sở đó, các sản phẩm cây có múi của tỉnh Hưng Yên lần này tiếp tục được các Bộ ban ngành từ Trung ương đến địa phương hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ, ổn định đầu ra, đưa sản phẩm chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng theo đúng tiêu chuẩn phòng dịch, không chỉ theo phương thức phân phối truyền thống mà đặc biệt sẽ thúc đẩy sản phẩm phân phối theo phương thức thương mại điện tử.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh năm 2021 ước đạt khoảng 15.000 ha, tăng khoảng 3,24% so với năm 2020, chiếm 12,4% diện tích cây ăn quả vùng ĐBSH, đứng thứ 3 cùng ĐBSH (sau thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương). Sản lượng cây ăn quả toàn tỉnh năm 2021 ước đạt 236.492 tấn, tăng 11% so với năm 2020; trong đó nhãn 41.663 tấn, vải 12.292 tấn, chuối 88.972 tấn,...
Cây ăn quả có múi là sản phẩm chủ lực của tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 4.250 ha cây ăn quả có múi, sản lượng ước tính 65.000 tấn; trong đó diện tích trồng cây cam, quýt trên 2.100 ha; bưởi trên 2000 ha; còn lại là cây có múi khác như chanh, quất . . . Toàn tỉnh đã có 28 vườn cây có múi (cam, bưởi) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn vườn cây có múi đầu dòng, mỗi năm có khai thác khoảng 60 vạn mắt ghép phục vụ nhu cầu nhân giống, phát triển trồng mới của nông dân trong và ngoài tỉnh. Đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh đã có 65 vùng sản xuất cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) với tổng diện tích trên 1000 ha, sản lượng khoảng trên 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap.
Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đánh giá, người tiêu dùng ngày càng yêu thích và lựa chọn các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có bao bì nhãn mác được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn, sản phẩm đặc sản theo mùa vụ thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, nút thắt lớn hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, mới chủ yếu tại các chợ truyền thống. Do đó, việc mở rộng kênh phân phối đặc biệt là phân phối qua hệ thống bán lẻ lớn như siêu thị hay qua phương thức thương mại điện tử cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định Hưng Yên là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp đã rất chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, tập trung tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương tại thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Với tình trạng nhiều địa phương cùng có các sản phẩm cây có múi, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các địa phương cần có hướng đi riêng không trộn lẫn. Nhãn lồng Hưng Yên là sản phẩm khó có thể trộn lẫn nhưng các sản phẩm như chanh tứ quý, cam đường canh, cam V2… cần có sự đặc sắc trong phân luồng trong hệ thống phân phối khi nhiều tỉnh thành cũng có những sản phẩm tương tự. Ông Toản đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nên nhanh chóng triển khai thiết lập hồ sơ bán hàng trực tuyến để đẩy mạnh quảng bá trên kênh thương mại điện tử cũng như theo kịp xu hướng chuyển đối số mạnh mẽ, để sản phẩm không chỉ được tiêu thụ tại thị trường miền Bắc mà còn có thể tiến vào thị trường miền Nam đầy tiềm năng. “Cần định danh sản phẩm trên sàn thương mại điện tử nếu không sẽ bị pha loãng”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai từ cuối năm 2019 được cho là một trong những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho sản phẩm nông sản Lạng Sơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số chia sẻ, là đơn vị thiết kế xây dựng và trực tiếp triển khai Chương trình, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp chặt chẽ với các Sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post) . . . với mô hình phân phối sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, “Siêu thị hàng Việt uy tín” này đã mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ giúp doanh nghiệp hợp tác xã tỉnh Hưng Yên nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt. Nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ trái cây tới vụ, nông sản . . . thời gian qua đã được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức và triển khai mạnh mẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh trên cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tiêu biểu như nông sản phẩm của Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bến Tre . . .
Ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT & KTS – Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị
Ngay tại thời điểm này, các Sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Lazada . . . cũng đang tiếp tục tổ chức tiêu thụ các sản phẩm nông sản vùng miền như Hồng giòn Lâm Đồng, Dưa lưới Bình Phước, Xoài Cát Chu Đồng Tháp, Cam Cao Phong Hòa Bình, Bưởi da xanh Tiền Giang . . . Với những kinh nghiệm phối hợp cùng các Sàn thương mại điện tử vận hành chương trình thời gian qua, “Gian hàng Việt trực tuyến" sẽ tiếp tục là cánh tay nối dài giúp doanh nghiệp địa phương, nông sản địa phương, sản phẩm OCOP đến gần hơn, nhanh hơn tới người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, hiện sản phẩm cây có múi không chỉ có ở Hưng Yên mà còn ở các địa phương khác, do đó, có sự cạnh tranh gay gắt. Sản phẩm cây có múi của Hưng Yên có lợi thế là chất lượng sản phẩm tốt tuy nhiên cần duy trì và nâng cấp sản phẩm hơn nữa để tham gia vào thị trường thương mại điện tử trong nước và tiến tới thị trường xuất khẩu như hoàn thiện các chứng chỉ VietGap, GlobalGap. Bà Hậu nhận định, kênh phân phối qua thương mại điện tử đã hỗ trợ rất hiệu quả cho các mặt hàng nông sản và thời gian tới cần chú trọng hơn nữa cho kênh phân phối mới này, địa phương cần đào tạo, hỗ trợ các hợp tác xã bán hàng trên các trang thương mại điện tử và xuất khẩu chính ngạch, giảm áp lực cạnh tranh từ kênh phân phối truyền thống. Riêng đối với các sản phẩm OCOP được đánh giá cao, có đầy đủ giấy tờ để tham gia vào siêu thị. Các chủ thể cũng cần nâng cấp sản phẩm để tham gia thị trường rộng lớn hơn. “Khi đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, nếu có khó khăn gì chủ thể có thể phản ánh lại với Hiệp hội, để Hiệp hội có thể nắm rõ được nguyên nhân vì sao và phối hợp tìm biện pháp khắc phục”, bà Vũ Thị Hậu chia sẻ tại Hội nghị.
Thông qua Hội nghị lần này, các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Các nhà bán lẻ, các Sàn thương mại điện tử hay các hệ thống siêu thị hay chính quyền các tỉnh, Sở ban ngành địa phương cùng phối hợp kết nối nguồn cung, kết nối đầu ra, tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương, nông sản địa phương trên cả 02 kênh truyền thống và hiện đại.
Liên hệ kết nối doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt:
Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương
Điện thoại hỗ trợ: 0989052055
Email: hangvietonline@moit.gov.vn
Website: www.tuhaoviet.vn