Phát huy vai trò của công đoàn với Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp công đoàn trong cả nước đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.
Là công đoàn ngành với gần 150.000 công nhân lao động đang công tác tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; cùng các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo 20 công đoàn ngành Công Thương địa phương, thời gian qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng Chương trình “Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và người lao động giai đoạn 2019 - 2023” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, từ đó triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong toàn thể đoàn viên, người lao động ngành Công Thương.
Cụ thể hóa bằng việc xây dựng kế hoạch chương trình hành động thiết thực, ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa Công đoàn Công Thương Việt Nam với doanh nghiệp trong ngành Công Thương; trong đó có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội… về cung ứng sản phẩm hàng hóa giá ưu đãi cho đoàn viên, người lao động và các doanh nghiệp trong ngành.
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công đoàn Công Thương Việt Nam với Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội. Ảnh: CĐCTVN
Chia sẻ của Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội cho thấy: Sau 4 năm triển khai, sản phẩm của công ty đã đến được trên 20 đơn vị, doanh nghiệp thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam; cung cấp trên 10 chủng loại sản phẩm của công ty ước khoảng trên 100 tấn; nước giặt, xà phòng bánh, nước rửa chén, nước lau sàn, xà phòng bột, nước rửa tay khô… đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được sự hợp tác của các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hợp đồng mua bán sản phẩm. Đoàn viên, công đoàn có nhiều phản hồi tích cực về chất lượng, giá bán phù hợp với thu nhập của người lao động.
Qua thực tiễn triển khai, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả cao cần có sự lãnh đạo thống nhất từ Đảng ủy, chính quyền và đoàn thể cấp trên, trong từng doanh nghiệp, nhận thức đúng đắn ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, động viên, hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, đất nước giàu mạnh, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động tự giác thực hiện.
Không chỉ ngành Công Thương, các cấp công đoàn trong cả nước đều tích cực đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động đến mỗi đoàn viên để có sự quan tâm ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, góp phần đem lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp và cả chính người tiêu dùng.
Ghi nhận tại Sơn La, các cấp công đoàn đã vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên, công nhân viên chức lao động ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam khi mua sắm trang thiết bị công, tiêu dùng cá nhân, coi đó là nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Sơn La tiếp tục tuyên truyền cho công nhân viên chức lao động nhận thức đúng về chất lượng, giá thành sản phẩm, khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, công nhân viên chức lao động và cá nhân ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam khi mua sắm trang thiết bị công, tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” để ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam.
Với số lượng lớn đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong đội ngũ đoàn viên, người lao động.
Năm 2024, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới các phương thức, hình thức tuyên truyền để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô trong việc thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Khuyến khích, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hệ thống công đoàn ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu và dịch vụ, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phù hợp với cam kết quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các “Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình”, “Gian hàng giảm giá”, “Hội chợ hàng Việt”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”, “Gian hàng Công đoàn” các chuyến xe hàng Việt… với hàng hóa là thương hiệu Việt, sản phẩm OCOP tới khu đông công nhân lao động sinh sống, ưu tiên tổ chức tại các khu công nghiệp, chế xuất, khu nhà trọ, nhà ở công nhân, các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, khu vực xa trung tâm thành phố…
Còn tại Nam Định, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Công đoàn ngành Công Thương Nam Định không chỉ vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ưu tiên chọn mua hàng Việt mà còn khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm, nguyên vật liệu trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Hiện nay, Công đoàn ngành Công Thương Nam Định đang quản lý 22 công đoàn cơ sở, với trên 9.600 đoàn viên công đoàn. Hàng năm, công đoàn ngành đã chủ động tham mưu, phối hợp với Sở Công Thương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại dịch vụ tham gia hưởng ứng cuộc vận động nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa Việt có chất lượng cao.
Để cuộc vận động đạt hiệu quả tích cực, thời gian qua, các cấp công đoàn trong cả nước đã phối hợp với chính quyền tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch nhằm bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán; tổ chức Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam; triển khai thực hiện đề án và phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Đáng chú ý, các cấp công đoàn không chỉ vận động, tuyên truyền đoàn viên, người lao động sử dụng hàng Việt mà còn gắn việc thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước, nhằm vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động để tạo ra sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và đất nước.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, công đoàn các cấp sẽ tích cực, chủ động phối hợp, lồng ghép hoạt động trong công tác quản lý nhà nước cùng với hoạt động vì phúc lợi của công đoàn viên, qua đó hỗ trợ hiệu quả, cải thiện đời sống cho đội ngũ công nhân, người lao động cả nước. Những hoạt động đó sẽ góp phần khích lệ về phát triển kinh tế cũng như mang lại giá trị thiết thực bảo đảm an sinh xã hội.