Phát triển chuỗi cung ứng, cơ hội cho doanh nghiệp
Diễn đàn báo chí hôm nay nhấn mạnh đến việc phát triển chuỗi cung ứng dịch chuyển đang là cơ hội tích cực cho doanh nghiệp Việt.
Đây cũng là chủ đề bài viết trên báo Đầu tư. Theo bài báo, ngày càng nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ cao tìm đến Việt Nam đặt nhà máy sản xuất, nhưng điều quan trọng là làm sao để doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ.
Bài báo cũng nêu ví dụ điển hình là sự phối hợp giữa Samsung với Bộ Công Thương. Từ năm 2015, Samsung đã phối hợp với Bộ Công thương để thực hiện chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt. Sau đó, từ năm 2018, Samsung tiếp tục cùng Bộ Công Thương hỗ trợ đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đồng thời thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo cho khoảng 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 - 2023.
Nhờ sự nỗ lực này, qua nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, số lượng doanh nghiệp cung ứng cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Nếu như năm 2014, con số chỉ là 4 doanh nghiệp, thì đến cuối năm 2021, tổng số nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt bao gồm cả cấp 1 và cấp 2 của Samsung là 254 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cấp 1 là 51 doanh nghiệp.
“Samsung hy vọng, dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung, mà cả mạng cung ứng toàn cầu”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói.
Lãnh đạo Samsung Việt Nam trực tiếp thăm và đánh giá kết quả thực hiện dự án tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp
Cùng với hợp tác phát triển chuỗi cung ứng, diễn đàn báo chí hôm nay tiếp tục đề cập đến vấn đề liên quan tới điện gió. Tạp chí vietq có bài: "Hoàn thiện hệ thống TCVN về điện gió, thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh":; Báo Đầu tư có bài: "Tập đoàn PNE (Đức) đề xuất Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi tại Bình Định"; Báo Thanh niên có bài: "Cà Mau phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững; Cafef có bài "EVN muốn tham gia "cơn sốt" điện gió ngoài khơi".
Theo bài báo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có đề xuất với Chính phủ tạo cơ chế để phát triển khoảng 4.000MW nguồn điện gió ngoài khơi khu vực phía Bắc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực.
Trên thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được nhiều đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi. Tới cuối tháng 8, đã có 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước (65,5%). Tuy nhiên, mới chỉ có một đề xuất được chấp thuận, của Tre, Tập đoàn Năng lượng tái tạo Mainstream và đối tác Việt Nam là AIT để lắp trạm Lidar với tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD, phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre.
Ngoài ra có 19 đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển đã được bộ đưa ra lấy ý kiến. Ngoài ra, theo thống kê từ các địa phương, có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi 100% của nhà đầu tư trong nước, có phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
Vì thế, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay đang gấp rút hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 40/2016 quy định chi tiết một số điều Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cùng các quy định liên quan.
Trong thời gian chờ quy định ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thẩm định, chấp thuận phê duyệt về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng cho biết:” Với loại hình nguồn điện gió ngoài khơi, Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển. Do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn, nên việc thực hiện công suất theo quy hoạch lên tới 7.000MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức lớn”.