Phát triển thị trường trong nước: Hiệu quả cao từ liên kết vùng

Liên kết vùng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường trong nước.

Liên kết vùng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường trong nước, trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, phân phối và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ là yếu tố quan trọng đặc biệt để đảm bảo liên kết phát triển thương mại có hiệu quả.

Phân bổ nguồn lực hợp lý

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, vùng Đồng bằng sông Hồng là khu vực có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với các vùng kinh tế khác, có vị trí thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cửa ngõ phía Bắc Việt Nam với đầy đủ hệ thống giao thông hiện đại như đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không, đường sắt, kết nối với các tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, tạo thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics. Đồng thời là vùng có diện tích vùng biển lớn với tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ…

Thời gian qua, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng. Các tỉnh đã chủ động phối hợp và liên kết tập trung vào một số lĩnh vực và hoạt động về kinh tế - xã hội và đã đạt được một số kết quả cụ thể về liên kết vùng phát triển thị trường. Cụ thể, các địa phương đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án từ cấp quốc gia, cấp vùng đến địa phương để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, qua đó, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa; tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, bền vững, đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử vào phân phối lưu thông để phục vụ thị trường nội vùng cũng như cả nước.

Đơn cử, trong năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng thành phố Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long, Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza và Trung tâm thương mại Mipec; thông tin, giới thiệu nguồn cung nông sản thực phẩm, trái cây mùa vụ của trên 1.000 sản phẩm OCOP các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang…

Các địa phương trong vùng cũng đã tổ chức triển khai tốt các quy hoạch về hạ tầng thương mại như quy hoạch chợ, quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại, quy hoạch trung tâm logistics, quy hoạch trung tâm hội chợ, triển lãm… góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại để tạo cơ sở phát triển thương mại nội địa nói riêng và kinh tế - xã hội của vùng nói chung, đẩy mạnh liên kết vùng.

Hiện nay, các địa phương trong vùng đã và đang nghiên cứu, cho ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch vùng, xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của địa phương, đồng thời thể hiện rõ vai trò của địa phương trong liên kết vùng, liên ngành, liên tỉnh.

Việc liên kết vùng phát triển thị trường nội địa cũng đã được các địa phương trong khu vực lồng ghép trong các lĩnh vực, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khác.

Cụ thể, về lĩnh vực du lịch, các tỉnh, thành phố tăng cường trao đổi thông tin tình hình hoạt động trong quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch gắn với thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các địa phương.

5 giải pháp phát triển

Trên tinh thần tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Vụ Thị trường trong nước đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới.

Thứ nhất, thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về liên kết vùng, tạo cơ sở pháp lý và tiền đề để thúc đẩy phát triển liên kết vùng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bình ổn thị trường.

Thứ hai, thực thi Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các định hướng và giải pháp liên quan đến việc đẩy mạnh liên kết vùng.

Thứ ba, thực thi xây dựng và ban hành các quy hoạch trong đó có quan tâm đến liên kết vùng để phát triển thương mại nội địa. Các địa phương trong vùng cần xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh bám sát định hướng, quy định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Thứ tư, đề nghị các địa phương nghiên cứu, tham khảo các nội dung hoạt động tại các chiến lược, chương trình, dự án, đề án do Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương được giao làm đầu mối nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối (đặc biệt là các hệ thống phân phối có mạng lưới phân phối trên toàn quốc hoặc nội vùng), kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu, phát triển hạ tầng thương mại…

Thứ năm, chủ động, tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại từ các nhà đầu tư trong vùng và ngoài vùng.

Bình luận của bạn