Phiên chợ vùng cao Hoà Bình: Kết nối tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của bà con vùng dân tộc

Phiên chợ vùng cao với chủ đề “Chợ phiên - nét đẹp vùng cao” năm 2023  là một trong những sự kiện thường niên lớn nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp sinh hoạt văn hoá độc đáo, đặc sắc trong các chợ phiên của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Đồng thời kết nối tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Tạo nguồn nông sản giá trị

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, hơn 3 năm qua, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã tham mưu ban hành nhiều đề án, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Những năm gần đây, tỉnh tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó xác định và tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế phục vụ mục tiêu xuất khẩu và công nghiệp chế biến như: cây ăn quả có múi, chè, sắn, dong riềng... Đặc biệt, cây ăn quả có múi được xác định là nông sản chủ lực và là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc. Hiện, diện tích trồng cây có múi toàn tỉnh đạt 9.687 ha, sản lượng năm 2022 dự kiến trên 166 nghìn tấn. Ngoài cây ăn quả có múi, tỉnh đang mở rộng một số loại cây ăn quả như nhãn, chuối với diện tích khoảng 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Lương Sơn, Cao Phong, Kim Bôi và TP. Hoà Bình. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt, tỉnh chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.525 ha cây ăn quả các loại đã được chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), VietGAP, hữu cơ, sản lượng đạt khoảng 133.110 tấn, trong đó có 3.373 ha cây ăn quả có múi, sản lượng đạt 127.996 tấn; 127 ha các loại, gồm: thanh long, chuối, nhãn, na, dưa... sản lượng khoảng 4.851 tấn.

Đối với các loại rau, toàn tỉnh có 561 ha trồng rau các loại đạt chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ, sản lượng đạt khoảng 13.792 tấn. Ngoài ra, có 1.945 lồng cá, sản lượng 4.451 tấn đạt các chứng nhận về ATTP, VietGAP, hữu cơ.

Nhiều mô hình, chuỗi nông sản, thuỷ sản đã cung cấp cho các thị trường lớn như chuỗi sản phẩm chuối, mía, ngô, bơ, xoài, sấu của Công ty TNHH nông nghiệp Viba (Lương Sơn), cung cấp cho gần 800 cửa hàng tại Hà Nội thuộc hệ thống các siêu thị lớn; chuỗi cá sông Đà của Công ty TNHH thuỷ hải sản Hải Đăng HB (TP Hòa Bình) cung cấp cho hơn 100 điểm bán hàng tại Hà Nội thuộc chuỗi thực phẩm sạch. 

Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con

Không chỉ chú trọng vào khâu tạo nguồn, Hoà Bình còn triển khai nhiều giải pháp nhằm tiêu thụ nông sản cho bà con nói chung và bà con vùng dân tộc thiểu số nói riêng, trong đó nổi bật là sự kiện Phiên chợ vùng cao. Năm 2023, Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình có chủ đề “Nơi hội tụ và lan tỏa”, với sự tham gia của các tỉnh bạn như Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, An Giang. Phiên chợ có khoảng 100 gian hàng, bao gồm: Khu gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, nông sản, thủ công mỹ nghệ; khu gian hàng ẩm thực; khu gian hàng giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa dân tộc của các địa phương trong tỉnh Hòa Bình.

Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình năm 2023 thu hút rất đông du khách

Tại phiên chợ, những sản phẩm độc đáo của các huyện được trưng bày và thu hút du khách tham quan, mua sắm, như: Cơm lam, dưa nương, chuối rừng, măng rừng… là những sản vật đặc trưng của núi rừng Hoà Bình. Và cả những sản phẩm OCOP các địa phương như: Mật ong, gạo nếp nương, cao xạ đen, cà gai leo...

Ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức phiên chợ vùng cao nhấn mạnh: Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống. Chợ phiên không đơn thuần là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần và nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của các vùng miền.

Đồng thời, nơi đây tích cực giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục, các hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Thông qua phiên chợ nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản, hàng hóa tiêu biểu của tỉnh. Chợ phiên là nơi hội tụ để các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, mua bán hàng hóa; đồng thời hợp tác, tìm kiếm đối tác, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững.

Phiên chợ vùng cao diễn ra trong tuần đầu tháng 10, bao gồm các khu vực chính: Khu gian hàng sản phẩm OCOP và các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của tỉnh; khu gian hàng của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh; khu vực gian hàng của các huyện, thành phố và các xã của huyện Mai Châu; khu vực chợ quê bày bán các sản phẩm gia súc, gia cầm, rau củ quả, nông sản hàng hóa tiêu dùng hàng ngày; khu vực quảng bá các món ẩm thực tiêu biểu của các địa phương; khu trò chơi dân gian và trình diễn nghệ thuật truyền thống dệt thổ cẩm, ném còn, nhún du, nhảy sạp, đi cà kheo...; khu gian hàng thương mại tổ chức các hoạt động thương mại, kết nối giao thương.

Các sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu và bán tại Phiên chợ vùng cao là hàng hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương, vùng miền; đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.

Sau 5 ngày diễn ra, phiên chợ đã thu hút rất đông khách du lịch, người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm sản phẩm. Từ đó góp phần tích cực trong thúc đẩy hoạt động du lịch; tăng cường xúc tiến thương mại và du lịch, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản hàng hóa tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình.

 

Bình luận của bạn