Ra mắt chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử

Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng,  ông Nguyễn Văn Thân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải, Cục Trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng đại diện từ Đại sứ quán  một số nước ở Châu Âu, Hiệp hội DN các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Eurocham, Amcham, Hiệp hội ngành hàng: thủy hải sản, da giầy…

Tận dụng “cơ hội vàng”

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, nhằm khai thác hiệu quả hiệp định EVFTA, Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng Thương mại điện tử thông qua Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam-EU (Vefta) là đề án trọng điểm với quy mô quốc gia được thực hiện nhằm xây dựng sàn giao dịch giữa các doanh nghiệp (B2B Marketplace).

Chương trình đã giúp hiện thực hóa “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” để kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu. Bên cạnh đó, giúp các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại.

Sàn đồng thời là cổng giúp xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện thông qua các giải pháp số giúp cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất (Thanh toán số, logistics, Hóa đơn điện tử, Chữ ký số...)

Là một FTA thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... Tuy nhiên, để tận dụng “cơ hội vàng” này, theo Cục trưởng Đặng Hoàng Hải, cộng đồng doanh nghiệp cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA. Bên cạnh đó cần tiếp tục cải cách để tận dụng tốt nhất các cơ hội. Cải cách thể chế sâu, rộng hơn cam kết sẽ mở không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Nam…

Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung trong bối cảnh mới. “EVFTA là cơ hội và là sức ép hợp lý để doanh nghiệp thay đổi, từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được cơ hội gia tăng kim ngạch, doanh nghiệp trong nước đứng vững trên sân nhà” ông Hải nhấn mạnh.

Chuyển đổi số trong toàn xã hội và trong tất cả các lĩnh vực

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại buổi lễ

Tại Lễ ra mắt Chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định được ví như “Tuyến đường cao tốc đã mở" đối với cả Việt Nam và EU, nhất là doanh nghiệp hai nước.

Trong thời gian qua Chính phủ đã có những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho doanh nghiệp. Điển hình như Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ; trong đó Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối điều phối việc triển khai Hiệp định EVFTA.

Theo đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị và triển khai một số nhóm giải pháp như: (1)Công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng; (2) xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biêt đối xử giữa các thành phần kinh tế; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh; (4)Đảm bảo cam kết cao về phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường; (5)Vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và kinh doanh.

Trong năm qua với tác động của đại dịch COVID đã thúc đẩy việc Chuyển đổi số trong toàn xã hội, và trong tất cả các lĩnh vực. Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 Tỉ USD, người dân có thể mua sắm hầu hết mọi thứ mà không cần tới siêu thị. Vì vậy dựa trên những thành quả to lớn của công nghệ, chúng ta cũng hoàn toàn có thể xây dựng các giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, tạo ra những đốt phá trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế, như thị trường EU.

Để Chương trình hợp tác này đi vào hoạt động hiệu quả, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng với các đơn vị khác trong Bộ hợp tác với VINASMEs, Viện khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, Tập đoàn Kim Nam tập trung một số trọng tâm như: (i) Tiếp tục phát triển để hoàn thiện nền tảng sàn thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp make in Việt Nam, hướng tới xuất nhập khẩu. (ii) Phối hợp triển khai các chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước tiếp cận và khai thác hiệu quả sàn thương mại điện tử. (iii) Nghiên cứu tìm giải pháp tích hợp với các hệ thống của các cơ quan liên quan như Hải quan, Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; (iv) Chú trọng việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn và bảo mật trong quá trình vận hành.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng kì vọng, đây sẽ là bước đầu tiên trong lộ trình tạo ra những Giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, lấy công nghệ làm cốt lõi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể nâng cao năng lực, tăng thêm những cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, để tận dụng tối đa những cơ hội do hiệp định thương mại mang lại.

Bình luận của bạn