Sẵn sàng các phương án bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
Thực hiện thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, sáng ngày 8/12/2022, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, kết hợp với phiên họp thường kỳ của Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 12. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương; Thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước; đại diện các Hiệp hội ngành hàng, Tập đoàn, Tổng công ty và đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang đứng trước thềm năm 2023 với nhiều nguy cơ và thách thức hiện hữu.
Năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128 về thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa lại nền kinh tế, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới, vì vậy mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, như: (1) Xung đột lợi ích, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; (2) Lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia; (3) Giá dầu thô và một số vật tư chiến lược biến động bất thường; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực trên thị trường thế giới gia tăng…; Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và chủ động, linh hoạt, sâu sát, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả rất quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, trong thời gian tới, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát tăng cao, đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và phòng, chống dịch COVID-19 ở một số nước cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu của Việt Nam theo hướng bất lợi do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có các chính sách điều hành phù hợp, ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường.
Đặc biệt, năm nay, Tết Nguyên đán rất gần với Tết dương lịch (cách nhau 20 ngày) nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết cần được tích cực triển khai từ sớm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Tại Hội nghị hôm nay, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu dự họp tập trung thảo luận về những nội dung, gồm:
Đánh giá thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dự báo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại các địa phương; các giải pháp để bảo đảm ổn định thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán; Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần được tháo gỡ; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023.
Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đánQuý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Ước, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương. Uỷ ban nhân dân tỉnh một số tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động… Một số địa phương tiếp tục linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường (BOTT) như mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện BOTT. Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, UBND một số địa phương tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện BOTT như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay, tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm năm 2022 tương đối thuận lợi, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu dồi dào nên bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo Bộ Tài chính, tình hình giá cả hàng hóa nói chung hiện không có diễn biến bất thường, lạm phát đang trong giới hạn kiểm soát của Chính phủ. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chỉ đạo các Sở Tài chính địa phương triển khai các biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết.
Thời gian tới, do thị trường hàng hóa thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu của Việt Nam theo hướng bất lợi do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn. Bên cạnh đó, năm nay, Tết Nguyên đán rất gần với Tết dương lịch (cách nhau 20 ngày) nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết cần được tích cực triển khai từ sớm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Để bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có ý kiến đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ về đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ vốn vay, thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, kế hoạch triển khai các chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng chính sách về các vùng sâu, vùng xa, công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để bảo đảm người dân được đón Tết đầy đủ, an toàn, lành mạnh theo chỉ đạo của Ban bí thư và lãnh đạo Chính phủ.
Bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân dịp Tết Nguyên đán
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng như sự chủ động, tích cực triển khai từ sớm của các địa phương, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty trong việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện tốt một số công việc cụ thể:
Một là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Hai là, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Ba là, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.
Bốn là, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Năm là, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Chính quyền địa phương tạo điều kiện, thông thoáng về giao thông giúp lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ được xuyên suốt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão.
Sáu là, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị chức năng về Khoa học công nghệ tăng cường kiểm định, kiểm tra, giám sát, đo lường tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.
Bảy là, đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết. Các đơn vị sản xuất chủ động kế hoạch sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng), cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; Dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý. Các đơn vị kinh doanh thương mại chủ động triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; Tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão, lũ.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.
Tám là, các Hiệp hội ngành hàng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.
Chín là, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.