Tăng cường xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Khai thác tiềm năng sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) chính thức triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.


Tại Bình Dương, thời gian qua, Chương trình OCOP được tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Đến nay, tỉnh Bình Dương có 31 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 8 sản phẩm 4 sao và 39 sản phẩm 3 sao, gồm: Dưa lưới, bưởi da xanh, cam sành, ổi tươi, dưa leo rừng muối, tổ yến nguyên chất…

Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, đặc biệt doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể. Địa phương có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Bình Dương là huyện Bàu Bàng và huyện Phú Giáo (mỗi huyện có 5 sản phẩm)…

Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nhằm tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn năm 2021-2025. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn, phát triển nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu 100% số xã trong toàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên và ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm

Sau thời gian triển khai chương trình sản phẩm OCOP, đến nay Bình Dương đã có nhiều sản phẩm uy tín, thương hiệu, được biết đến rộng rãi trong cả nước. Đơn cử như sản phẩm OCOP 3 sao tổ yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng tại huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương). Đây là một trong những sản phẩm OCOP và mô hình OCOP tiêu biểu của tỉnh Bình Dương.


Bà Tăng Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH yến Hiếu Hằng - cho biết: Sau khi sản phẩm tổ yến đạt chứng nhận OCOP năm 2021, diện tích nuôi yến được mở rộng lên hơn 1.600m2, mỗi tháng cho thu khoảng 15kg tổ yến thô, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm.

Tương tự, Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) cũng có các sản phẩm OCOP hơn 2 năm nay. “Được công nhận sản phẩm bưởi da xanh OCOP 4 sao đã nâng tầm giá trị, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Thương lái hay doanh nghiệp đến mua khi thấy sản phẩm được công nhận OCOP thì họ cũng yên tâm vì được trồng theo theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó giá cả cao hơn những sản phẩm chưa đạt OCOP” - ông Lê Minh Sang - Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ chia sẻ.

Theo ghi nhận, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP. Sau khi các chủ thể được công nhận OCOP tỉnh đã tạo điều kiện cho các sản phẩm được quảng bá, tiêu thụ tốt hơn.

Đặc biệt, cùng với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, các cấp chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi sản phẩm.

Năm 2023, để tiếp tục mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP vươn xa, hướng đến xuất khẩu, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp tăng cường quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, đưa các sản phẩm OCOP của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trương tiêu thụ sản phẩm OCOP, bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương – cho biết: Để công tác xúc tiến thương mại, truyền thông rộng rãi cho sản phẩm OCOP, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan cùng doanh nghiệp đồng hành để phối hợp tổ chức các chương trình hội chợ, hội nghị, triển lãm, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết, tìm kiếm đầu ra.

Sở Công Thương cũng đang rà soát, hoàn thiện các nội dung đề án thành lập phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP. “Thông qua phòng trưng bày, giúp đối tác, khách hàng có sự lựa chọn và hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, tính ưu việt của sản phẩm OCOP” - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Song song đó, Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, các trang mạng, sàn thương mại điện tử uy tín cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đặc biệt, để hỗ trợ hiệu quả cho việc quảng bá, kết nối sản phẩm, Sở đang hoàn thiện nâng cấp sàn thương mại điện tử riêng của tỉnh tại website www.binhduongtrade.vn. Đồng thời, xây dựng bộ cẩm nang sản phẩm OCOP của tỉnh hoặc lồng ghép với các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, du lịch, thương mại để giới thiệu sâu - các sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu của tỉnh đến khách hàng trong ngoài nước.

 
Bình luận của bạn