Thị trường trong nước: Kết nối chuỗi cung ứng để nền kinh tế “bật dậy” sau đại dịch
Khi Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, chúng ta mới thấy hết sức mạnh của thị trường gần 100 triệu dân – một điểm tựa vững chắc giúp cho nhà sản xuất và hệ thống phân phối thấy rõ hơn đường hướng phát triển của mình trong giai đoạn tới là kết nối vào các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng.
Xung quanh nội dung này, Tạp chí Công Thương có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phóng viên: Đến lúc này chúng ta có thể khẳng định rằng, Hà Nội đã làm rất tốt công tác bình ổn thị trường, cung ứng hàng hóa trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh vừa qua. Sau những thành công đó, bà có thể chia sẻ những bài học chúng ta đã rút ra được từ những hoạt động rất đặc biệt này?
Bà Trần Thị Phương Lan: Thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát chính là lúc Hà Nội vừa thực hiện công tác bình ổn thị trường dịp Tết. Như vậy, có thể khẳng định, công tác bình ổn thị trường rất quan trọng, đặc biệt là với thành phố Hà Nội, thị trường có trên 10 triệu dân đang làm việc, học tập và sinh sống.
Khi dịch bệnh xảy ra, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động xây dựng 3 kịch bản về bình ổn thị trường, cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối xây dựng các phương án dự trữ hàng hoá với lượng dự trữ hàng hoá lên đến phương án 3 là 192.000 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu của người dân Hà Nội, cũng như có thể hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khác khi dịch xảy ra trên diện rộng.
Ngoài ra, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá với số lượng hàng dự trữ tăng từ 3 đến 5 lần và chủ động tìm kiếm nguồn cung từ thị trường trong nước để đáp ứng đầy đủ cung- cầu của thị trường Hà Nội, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
Từ thực tế đó, chúng ta rút ra được 2 bài học. Đó là, chúng ta phải luôn luôn chủ động các giải pháp bình ổn thị trường trong mọi tình huống, kể cả khi không có dịch bệnh. Đặc biệt, công tác này phải được chú trọng hơn trong dịp phòng chống bão lũ, các dịp lễ, tết...
Khi đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân, nếu xảy ra những tình huống bất ngờ, chúng ta đã có trong tay một lượng hàng hoá sẵn sàng để phục vụ nhân dân tối thiểu trong vòng 1 tháng, 3 tháng. Nếu như tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường, chúng ta lại tiếp tục tìm, triển khai những giải pháp khác...
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng với chính quyền địa phương, cam kết dự trữ lượng hàng hoá, đảm bảo chất lượng hàng hoá và nguồn cung mà thành phố giao trong công tác bình ổn thị trường trong từng giai đoạn cũng trong cả năm.
Phóng viên: Từ thực tế của giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chúng ta thấy được trợ lực mạnh mẽ của thị trường nội địa, trở thành một hậu phương vững chắc cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Theo bà chúng ta sẽ cần phải tiếp tục hành động như thế nào để thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn?
Bà Trần Thị Phương Lan: Khi dịch bệnh xảy ra, lĩnh vực sản xuất kinh doanh gặp muôn vàn khó khăn. Các doanh nghiệp hầu hết bị đứt nguồn cung từ nguyên liệu sản xuất, sau đó là khó khăn về đầu ra sản phẩm. Trong tất cả mọi lĩnh vực, chúng ta có thể chủ động sản xuất để phục vụ nhu cầu của người dân, có thể điều tiết thị trường nội địa để hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố chưa đảm bảo được nguồn cung.
Theo khảo sát của ngành Công Thương Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cho biết, nguồn nguyên liệu dự trữ đầu vào cho sản xuất chỉ đáp ứng được một tháng hoặc một tháng rưỡi, nếu thị trường nguồn cung tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khả năng doanh nghiệp ngừng sản xuất, giải thể là rất cao.
Như vậy hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, ảnh hưởng đến lao động việc làm, thu nhập cho người dân...
Chính vì thế, cần phải thay đổi.
Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước luôn luôn hỗ trợ cho doanh nghiệp, đưa ra dự báo cung cầu, những điều kiện thuận lợi, khó khăn để cho doanh nghiệp tạo hướng xoay chuyển, nắm bắt những cơ hội trong khó khăn.
Thứ hai, cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp kịp thời, trúng và đúng. Bởi, cơ chế chúng ta đưa ra chỉ phù hợp khi nền kinh tế phát triển một cách bình thường, tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, gần như các cơ chế, chính sách của ta là không đáp ứng được...
Đối với doanh nghiệp, chúng ta không nên quá phụ thuộc vào một thị trường nguồn cung nhất định. Tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông - Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế đã làm cho thị trường Việt Nam dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Do vậy, biện pháp cấp bách trong ngắn hạn là hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính cũng phải khẩn trương, quyết liệt như chống dịch, đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này...
Về dài hạn, chúng ta sẽ tập trung phát triển thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào. Chúng ta ngày càng nhận thức được rằng muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa. Việt Nam có lợi thế với gần 100 triệu dân và nền kinh tế đang lên, do đó thị trường trong nước chắc chắn sẽ trở thành điểm tựa vững chắc.
Phóng viên: Việc đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ cũng là một trong những giải pháp trọng tâm dài hạn để thúc đẩy thị trường trong nước. Với Hà Nội, chúng ta đang có những hoạt động cụ thể nào để hiện thực hóa những giải pháp này, thưa bà?
Bà Trần Thị Phương Lan: Hiện nay, khi nền kinh tế vẫn đang tiếp tục chịu tác động của dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn, do vậy chúng ta phải kích cầu thị trường nội địa trong tất cả các lĩnh vực, từ lĩnh vực thương mại, du lịch, văn hoá...
Ngành Công Thương Hà Nội đang xây dựng một kế hoạch kích cầu nội địa trong đó, phân tích, đánh giá cụ thể các kết quả thực hiện của 4 tháng đầu năm 2020, tập trung vào chỉ tiêu triển công nghiệp, chỉ tiêu với tổng mức lưu chuyển hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chỉ tiêu về xuất khẩu... đặc biệt, chú trọng vào chỉ tiêu về tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ. Hiện nay, ngành du lịch đang phát động phong trào “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, còn ngành Công Thương đang tập trung các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Thứ nhất, xác định thị trường Hà Nội là gần 11 triệu dân, thị trường cả nước là gần 100 triệu dân, do vậy, các doanh nghiệp phải rà soát lại việc sản xuất kinh doanh, nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người dân trên thị trường nội địa.
Ví dụ, nếu muốn phát triển ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu phải làm lại từ đầu, thay đổi mẫu mã, bao bì, định lượng, khối lượng từng sản phẩm, hàng hoá... để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Ví dụ như gạo, nếu xuất khẩu, các doanh nghiệp thường đóng bao to, khối lượng lớn, nhưng khi phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp nên chia thành từng bao nhỏ, khối lượng ít...
Thứ hai, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kết nối nội khối, hỗ trợ tiêu dùng lẫn nhau, dùng chính nguyên liệu sản xuất trong nước để phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa của Việt Nam.
Riêng với ngành Công Thương, để thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, Sở Công Thương đang đẩy mạnh việc liên kết giữa các tỉnh, thành phố để đảm bảo nguồn cung cho thị trường Hà Nội.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội còn hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng bằng cách tổ chức những tuần hàng của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; tổ chức chương trình xúc tiến thương mại... từ đó, kết nối tạo thành chuỗi giá trị các doanh nghiệp của Hà Nội với Hà Nội, doanh nghiệp Hà Nội với các tỉnh, thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước chung tay, cùng kích cầu thị trường nội địa. Mỗi một sở, ngành tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, chung tay cùng với kích cầu.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương đang rà soát lại toàn bộ hạ tầng công nghiệp và đang trình thành phố đẩy mạnh việc thành lập các cụm công nghiệp, với mục tiêu thành lập mới 23 cụm công nghiệp trong năm 2020, đồng thời, kêu gọi xúc tiến đầu tư 51 cụm công nghiệp trong tháng 6/2020.
Không những vậy, Sở Công Thương còn đang vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại. Khi mạng lưới hạ tầng thương mại phát triển mạnh mẽ, thị trường nội địa cũng lớn mạnh theo.
Ví dụ, BRG đã phát triển được thêm 19 địa điểm bán hàng phục vụ người dân trong giai đoạn Covid-19; Co.op mart phát triển thêm 5 siêu thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn cuối 2019, đầu 2020; Central Group sẵn sàng định hướng đầu tư 500 triệu USD để phát triển hạ tầng thương mại cho 5 năm tới...
Như vậy, với việc đầu tư hạ tầng, phát triển thương mại gắn với hoạt động logistics cùng với phát triển hệ thống chợ đầu mối thì Hà Nội cũng sẽ kích cầu được thị trường nội địa, bằng nhiều hình thức khác nhau.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn bà.