Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Thương mại điện tử khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thương mại điện tử Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số.

Với việc duy trì tốc độ tăng trưởng đạt từ 18-25% mỗi năm, riêng năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, doanh thu 20,5 tỷ USD, thương mại điện tử Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024

Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng top đầu thế giới và khu vực; đứng top 3 Đông Nam Á. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 45 tỷ USD. Nhiều dự báo, thương mại điện tử sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 diễn ra tối qua (29/11), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - nhấn mạnh: "Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, minh chứng rõ nét cho sự phát triển bền vững và tiềm năng của lĩnh vực này"...

Online Friday 2024

Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút kích hoạt “60 giờ mua sắm trực tuyến – kết nối, bảo vệ và phát triển hàng Việt trong thương mại điện tử”

Còn theo Báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google và Temasek công bố những ngày đầu tháng 11/2024, ước tính quy mô nền kinh tế internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet.

Sự tiện lợi là một trong những yếu tố quan trọng để nền tảng này thu hút người dùng

Sự tiện lợi là một trong những yếu tố quan trọng để nền tảng này thu hút người dùng

Ngoài yếu tố giá cả, sự tiện lợi của thương mại điện tử khi giao hàng tận nhà là yếu tố quan trọng đối với khách hàng. Bên cạnh đó, việc có thể theo dõi đơn hàng, tốc độ và chi phí giao hàng cũng tác động đến những trải nghiệm của khách hàng.

Một trong những sáng kiến nổi bật thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, Bộ Công Thương nhằm phát triển thương mại điện tử là việc tổ chức Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday.

Chương trình được Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thường niên từ năm 2014. Năm 2024, chương trình bước sang năm thứ 11 với nhiều đổi mới, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời đại chuyển đổi số. Đặc biệt chương trình có sự đồng hành của các Sở Công Thương trên cả nước và sự tham gia của đông đảo nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng số, cùng bán hàng Việt Nam, tạo nên một điểm nhấn để thúc đẩy hàng Việt sánh vai cùng các thương hiệu quốc tế.

Online Friday 2024

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh; Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cùng đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại các gian hàng livestream trong Online Friday 2024

Hưởng ứng định hướng đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng, dịch vụ logistics, sàn thương mại điện tử, các cơ quan, đơn vị truyền thông, nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng số… đã hợp tác, kết nối để triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam trong Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam.

Để đảm bảo thành công của chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các đơn vị tham gia: Thứ nhất, sản phẩm phải rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, chính hãng, đảm bảo niềm tin của người dân, người tiêu dùng khi tham gia giao dịch.

Thứ hai, cần nâng cao và đảm bảo trải nghiệm của người tiêu dùng trên môi trường giao dịch trực tuyến.

Thứ ba, cần kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử.

Thứ tư, cần kiểm soát các chương trình khuyến mãi, giảm giá, đảm bảo tính thực chất, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, tăng cường chia sẻ thông tin để người tiêu dùng biết và hiểu được cách thức bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch trên môi trường trực tuyến.

Online Friday 2024

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cùng doanh nghiệp, KOL chụp ảnh lưu niệm

Trong không khí mua sắm trực tuyến sôi động vào dịp cuối năm, một lần nữa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khuyến khích doanh nghiệp Việt, các thương hiệu hàng Việt tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường thương mại điện tử.

Để góp phần đẩy mạnh thương mại điện tử, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó nêu rõ, thời gian vừa qua, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới...

Thương mại điện tử Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

Thương mại điện tử Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử; chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030…

 

Bình luận của bạn